Xe công, quà biếu lại làm “nóng” nghị trường
(Dân trí) - Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đại biểu Quốc hội yêu cầu các Bộ, ngành phải thắt lưng buộc bụng, tập trung ngân sách hỗ trợ ngư dân, chiến lược biển, tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Chiều 29/5, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012. Đánh giá về báo cáo quyết toán NSNN năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thái độ không hài lòng về những khuyết điểm, tồn tại lâu nay trong thu - chi ngân sách vẫn chưa được khắc phục. Trong đó, vấn đề quà biếu, mua xe công từ nguồn ngân sách được các đại biểu nhấn mạnh trong phiên họp.
Theo đánh giá của đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì, kỳ họp Quốc hội nào, khi nhắc đến quyết toán ngân sách cũng thấy những khiếm khuyết tồn tại cũ, chẳng hạn như chi ngân sách không nghiêm, nợ đọng nhiều, vi phạm tương đối phổ biến. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nghiêm các quy định đã có, đồng thời cần sớm trình Quốc hội sửa Luật NSNN.
Đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, vấn đề nổi cộm có liên quan tới thu chi ngân sách nhưng hiện chưa được quan tâm, đó là… “quà biếu”.
Đại biểu Trần Đình Nhã nhận xét: “Tôi thấy hiện nay tình trạng tặng quà, thưởng từ ngân sách nhà nước rất lộn xộn, không kiểm soát được. Ai biết được hàng năm chúng ta chi bao nhiêu nghìn tỷ cho việc này? Có lần tôi hỏi Bộ Tài chính, nhưng Bộ Tài chính hầu như không nắm được, bởi vì cấp trung ương tặng, cấp địa phương tặng, ngành này tặng, ngành kia tặng. Mặc dù Bộ Tài chính không phản hồi lại kết quả, nhưng chúng tôi đồ rằng con số cũng phải hàng nghìn tỷ đồng chi cho quà tặng, thưởng của các bộ ban ngành, địa phương”.
Cũng theo đại biểu Nhã, “đối phó” với tình trạng này, hiện chỉ có quyết định số 64 ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành quy chế tặng quà, nộp lại quà tặng của cơ quan tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ công chức. Theo quyết định này, cán bộ công chức nhà nước nhận quà có giá trị lớn hơn 500 nghìn đồng thì phải nộp lại vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nhã chia sẻ: “Tôi tò mò hỏi từ 2007 đến nay ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu tiền nộp lại quà tặng, thì không ai trả lời được. Cử tri thắc mắc hay là không ai nộp lại quà tặng? Thử hình dung trong xã hội chúng ta những món quà trên 500 nghìn cũng khá nhiều, vậy bây giờ tính sao?”.
Theo một tính toán của đại biểu, toàn quốc có 139 nghìn đơn vị, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước. Nếu 139 nghìn đơn vị đó, chỉ cần một năm cấp trưởng nộp lại 10 triệu thôi, cấp phó nộp lại 5 triệu thì con số này đã là 4 nghìn tỷ. “Phải chăng đây cũng là nguồn thu cho ngân sách nhà nước?”, đại biểu Nhã đặt câu hỏi.
Đề cập tới tình trạng lãng phí khi sử dụng ngân sách Nhà nước, liên quan tới việc mua sắm xe công, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nhắc lại câu chuyện: “Năm nào cũng lặp lại bài ca xe công. Cử tri bảo là các ông cứ nói, nhưng các ông không sửa. Ở một số địa phương, bí thư huyện ủy gọi xe công đến nhà đón trong các trường hợp trời mưa gió. Tuy là một vấn đề không lớn, nhưng lại không đúng chế độ”.
Vì thế, đại biểu Nam đề nghị các bộ, ngành cần nhìn nhận lại xem cán bộ sử dụng không đúng chế độ hay chế độ không còn phù hợp?
“Tôi thấy đơn giản lắm, bây giờ xe công không để thế nữa mà chuyển cơ chế quản lý, nếu hợp lý thì các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ và tôi cũng ủng hộ, chẳng hạn khoán vào lương thì sẽ chấm dứt chuyện xe công”, đại biểu đề xuất.
Cũng về chủ đề xe công, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị cần siết chặt kỷ luật chi NSNN. Đại biểu Dung cho hay, năm 2012 là năm khó khăn nhưng ngân sách phải bỏ tiền mua trên 1.700 chiếc ô tô, trị giá mỗi xe cả tỷ đồng. Mua như thế có vi phạm kỷ luật chi không, ai chịu trách nhiệm!?
Là người từng tham gia đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc giám sát việc di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, theo đánh giá của đại biểu Dung, việc ngân sách phải chi tới 1 - 2 tỷ đồng cho mỗi hộ dân di dời là không hợp lý trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
Theo đó, đại biểu Dung đề nghị Quốc hội cần xem xét chế tài cụ thể nếu bộ, ngành, đơn vị nào vi phạm thu chi ngân sách thì cần phải xử lý nghiêm minh.
“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp khiến chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Năm 2014, chúng ta cần tập trung ngân sách hỗ trợ ngư dân, chiến lược biển, tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước”, đại biểu đề xuất.