1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xăng Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, vì sao?

Những ngày qua, khi người dân Việt Nam đang bị cuốn theo cơn lốc hứng khởi với đội tuyển U23, cũng có một cơn bão khác âm thầm diễn ra, không kém phần quan trọng nhưng ít nhiều đã bị lờ đi. Nguyên nhân cũng không thể đổ lỗi cho sự lôi cuốn U23, mà góp phần khá quan trọng là phát biểu hơi lạ của một vị quan chức đầu ngành quản lý việc tăng giá xăng – đã tăng tới hai lần chỉ trong vòng hai tuần của tháng.

Ngày 4.1.2018, giá xăng A95 đã âm thầm tăng 780 – 810 đồng/lít (tuỳ tiêu chuẩn) (1). Hai tuần sau, ngày 19.1.2018, lại tiếp tục lên giá. Giá bán xăng A95 của các cửa hàng Petrolimex tại TP.HCM tăng 290 đồng /lít, lên 20.990 đồng (2). Như vậy, chỉ hai tuần, giá A95 tăng hai lần, tổng cộng 1.070 – 1.100 đồng.


Giá xăng ở Thái Lan đã không cao hơn ở Việt Nam, như ông cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính phát biểu trước báo chí, trái lại còn thấp hơn.

Giá xăng ở Thái Lan đã không cao hơn ở Việt Nam, như ông cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính phát biểu trước báo chí, trái lại còn thấp hơn.

Trong khi đó, theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính, khi chia sẻ thông tin về việc điều hành giá xăng dầu cho biết: “Đồng thời, qua theo dõi giá xăng dầu nửa đầu tháng 1.2018 cho thấy giá xăng A95 của một số nước trong khu vực có cao hơn giá xăng A95 của Việt Nam khoảng từ 3.000 – 5.000 đồng/lít, như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Philippines” (hết trích).

Tình cờ đang ở Thái Lan, đọc được thông tin này cảm thấy rất khó hiểu. Trước tiên, chưa nói đúng sai về việc giá cao hơn thấp hơn. Không cần đứng ở vị trí đầu ngành, chỉ với kiến thức căn bản sẽ dễ thấy việc so sánh hai giá trị tuyệt đối ở đây không có ý nghĩa. Mà còn phải dựa trên kinh tế, thu nhập đầu người của từng nước. Dân nước họ thu nhập gấp vài lần dân mình thì giá xăng có đắt hơn 3.000 – 5.000 đồng, có tác động gì so với việc tăng giá ở mình hiện đang khó khăn hơn.

Nhưng cái khó hiểu lớn hơn nữa, rất khó có thể chấp nhận ở đây, là thực tế giá xăng A95 của Thái Lan không hề cao hơn Việt Nam 3.000 – 5.000 đồng như ông Nguyễn Anh Tuấn đã nói. Theo như quan sát ở tỉnh Chiang Rai ngày 28.1.2018, giá xăng không có chuyện lên xuống mấy tuần nay. Xăng A95 ở đó là 29,30 baht (hình đính kèm). Tính theo tỷ giá của Eximbank (ngày 27 vì 28 là chủ nhật không cập nhật, và mấy tuần gần đây, không có biến động nào về tiền baht), 1 baht Thái tương đương 703 đồng Việt thì giá xăng A95 bên Thái ở mức 20.598 đồng (nếu tính theo giá Eximbank bán ra 1 baht # 733 đồng thì có xê xích tăng một ít). Như vậy, thực tế so với xăng A95 hiện nay của Petrolimex tại TP.HCM là 20.990 đồng, giá bán bên Thái còn thấp hơn 392 đồng. Và vẫn còn thấp hơn 102 đồng so với giá cũ của A95 Việt Nam trước khi tăng lên 290 đồng vào ngày 19.1.2018. Vậy nên, không thể hiểu Cục quản lý giá tính bằng cách nào, số liệu nào để cho ra kết luận giá xăng A95 Thái Lan (cùng với Ấn Độ, Campuchia…) “cao hơn 3.000 – 5.000 đồng/lít so với xăng A95 Việt Nam”!

Nhưng, điều đau đáu hơn nữa không phải là lời phát biểu này, mà là những báo cáo, thông tin vị lãnh đạo này đã nhận được, để từ đó tự tin chia sẻ với báo chí. Với cương vị quản lý đầu ngành, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính có thể không phải là người rị mọ đi tìm thông tin giá xăng ở nước ngoài. Mà phải là nhân viên, chuyên viên cấp dưới báo cáo lên. Có khá nhiều vấn đề đặt ra, nhưng khuôn khổ ngắn gọn ở đây chỉ nêu hai điều.

Thứ nhất, hiện việc kiểm tra thông tin ở nước ngoài, nhất là xứ cận kề có quá khó không? Bao nhiêu là mạng lưới các tham tán thương mại, cộng tác viên, phóng viên cắm ở văn phòng nước ngoài, thông tin từ các trang mạng chính thống… Ở đây, có chăng sự coi thường dân trí của người mình trong thời buổi có thể gọi là “thế giới phẳng” này không? Thứ hai, tác hại như thế nào của việc đưa thông tin sai lệch về giá cả một mặt hàng thiết yếu bậc nhất nhì của xã hội – lại đang mùa bận rộn nhất trong năm, khi nhu cầu xăng dầu tăng mạnh mẽ nhất

Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, nhất là nếu có báo đài nước ngoài nào dịch thuật, chuyển đưa tin, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định của cán bộ lãnh đạo. Có khi nào vì thấy yên lòng với giá cả mặt hàng thiết yếu bên nước mình thấp hơn, so với nước ngoài có thể chăng sẽ giảm bớt sự quan tâm cao độ để tìm cách khắc phục để còn lo bao nhiêu chuyện khác… Còn về lòng dân, sức dân… khi mọi chuyện tỏ tường?

Những trăn trở trên đây còn chỉ là giả thuyết khi phát biểu trên thông tin, báo cáo được chuẩn bị bởi nhóm nhân viên, chuyên viên phòng ban dưới quyền, qua bao cấp bậc xét duyệt. Còn nếu đó thật sự là kết quả từ sự tự nghiên cứu, tìm tòi để chia sẻ với truyền thông của chính vị lãnh đạo đó, thì sẽ là một câu chuyện rất rất khác nữa. Thực sự không dám nghĩ tới!

Theo: Thái Trần

Thế giới Tiếp thị

Xăng Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, vì sao? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm