TS Nguyễn Đình Cung: "Ở Việt Nam, Công nghiệp 4.0 mới chỉ trên giấy tờ, hội nghị"
(Dân trí) - "Những bộ Luật sắp ban hành, nếu chúng ta vẫn ban hành cùng với các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, có thêm giấy phép con, cháu... Đây sẽ là động thái đuổi doanh nghiệp đi ra xa khỏi Việt Nam".
Khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo bàn về Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vừa được Chính phủ ban hành mới đây.
Nhiều nơi cải cách kiểu "bỏ 1 thì thêm 10"
Dẫn chứng hàng loạt bộ, ban ngành chậm cải cách, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ, Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói: Sẽ không có môi trường thuận lợi cho tài năng số, lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế số có môi trường để hiện thực nó.
"Đó là cái mà chúng ta cần suy nghĩ, những thứ mà chúng ta đang làm hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thời đại Công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số", TS Cung nói.
Ông Cung cho rằng: Theo các đánh giá xếp hạng, hiện Việt Nam có 4 chỉ số chưa cải thiện suốt 4 năm qua, đơn cử như: Chỉ số khởi sự kinh doanh, giao dịch thương mại qua biên giới (thậm chí thứ hạng giảm đi 1 bậc vì các nước tăng mạnh hơn chúng ta); chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản DN. Một nền kinh tế thị trường hiện đại không thể không có giải quyết tranh chấp hiệu quả, hợp lý, đáng tin cậy...
Cho đến nay, kết quả về cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng nhiều nơi "bỏ 1 tăng 10". Chúng ta nói nhiều tới thời đại công nghiệp 4.0, kỷ nguyên kinh tế số. Nhưng rõ ràng tư duy của chúng ta về pháp luật, cách thức quản lý vẫn bị kìm hãm, không thay đổi.
Ông Cung cho rằng: Công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Chỉ có tận dụng cơ hội mới vượt qua thách thức. Chỉ có chủ động áp dụng nó, xây dựng môi trường kinh doanh đón đầu thì mới vượt qua thách thức.
Những bộ là trụ cột trong cuộc cách mạng sắp tới như Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng phần lớn số bộ này không phải là những bộ tiên phong cải cách trong thời gian qua.
Nói công nghiệp 4.0 chỉ trên giấy tờ, hội nghị
"Nói thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay 5.0 hay kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam chỉ là giấy tờ, trên hội nghị. Đó là điều tôi muốn cảnh báo, để chúng ta cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách", ông Cung nói.
Ông này cho rằng: Những Luật sắp tới ban hành, nếu chúng ta không thay đổi, vẫn theo lối đưa ra các ĐKKD can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; thêm các giấy phép con, cháu, chúng ta sẽ tiến nhanh hơn quá trình đuổi DN ra khỏi Việt Nam sớm hơn.
Theo Viện trưởng Cung, Nghị quyết 19/2018 có nói tới thời hạn tháng 10/2018 sẽ ban hành một nghị định về đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, song đến nay chỉ có Bộ Xây dựng đến gần ga cuối, và 5 bộ khác là Bộ Nông nghiệp, Bộ GTVT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp đã soạn thảo Nghị định nhưng chưa trình. Còn mấy tháng, thời gian chưa chắc đã đủ nếu không làm nhanh để thông qua 31/10/2018.
Tốc độ cải cách chậm quy mô cải cách chưa lớn, dù nhiệt tình và hăng hái. Các Bộ khác như Bộ Tài chính, Ngân hàng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo đã rà soát có phương án nhưng chưa có dự thảo Nghị định. 5 tháng nữa thì họ chưa đủ thời gian để đạt mục tiêu.
Còn Bộ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa rà soát, chưa có phương án cắt giảm. Dự thảo từng nghị định nhưng không có phương án cụ thể nên xảy ra tình trạng bỏ 1 tăng 10. Nhiều khi lãnh đạo Bộ không biết trong ngành của mình cải cách thế nào.
"Với cách làm luật như hiện nay, chất lượng rất đáng lo ngại, Chính phủ muốn cải cách chưa chắc đã đạt được vì còn phụ thuộc vào Quốc hội. Chúng tôi với tư cách nghiên cứu rất lo ngại về chất lượng của các dự thảo Nghị định, các Luật liên quan", ông Cung nói.
Nguyễn Tuyền