1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tranh nhau mua tro xỉ của một nhà máy nhiệt điện

Trong khi ở một số nhà máy nhiệt điện than, việc xử lý tro xỉ than là vấn đề "đau đầu" với nguy cơ gây bụi, ô nhiễm môi trường, thì ở Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, chuyện này rất đơn giản. Bởi các doanh nghiệp còn...tranh nhau mua tro xỉ của nhà máy này.


Hồ chứa chất thải của Nhà máy hầu như không được sử dụng vì tro xỉ đã được mua hết

Hồ chứa chất thải của Nhà máy hầu như không được sử dụng vì tro xỉ đã được mua hết

Tranh nhau mua bằng sạch tro xỉ

Tại khu vực thải tro xỉ của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, thỉnh thoảng lại có một chiếc xe bồn của các công ty vật liệu xây dựng ra vào để chở tro xỉ từ nhà máy này thải ra.

Việc xả tro, xỉ từ các ống xả trên cao xuống bồn gọn gàng đến nỗi, không ai thấy có dấu tích nào của tro xỉ ở khu vực sản xuất chính của nhà máy này.

"Khối lượng tro xỉ của nhà máy của chúng tôi rất lớn, mỗi năm xả ra lên đến 1-1,5 triệu tấn, trong đó có 850 ngàn tấn tro bay, nhưng tất cả đều được bán cho các công ty thu gom tro xỉ để làm vật liệu xây dựng như gạch không nung", ông Ông Nguyễn Thường Quang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng có 4 lò, theo thiết kế tro xỉ tích vào 4 xi lô và xả tro xỉ. Hiện có 4 đơn vị ký hợp đồng “thầu” 1 xi lô để cung cấp tro bay cho các đơn vị tiêu thụ làm vật liệu xây dựng. Tới thời điểm này bao tiêu được gần 100%. Còn xỉ đáy lò, chiếm khoảng 15%. Hiện Công ty Việt Long bao tiêu để cung cấp cho các đơn vị làm vật liệu xi măng, san nền…

Ông Quang cũng cho biết, hiện Công ty này đã ký hợp đồng với 8 đơn vị trong đó có 2 đơn vị đang bao tiêu tại hồ chứa để trộn vật liệu cho nhà máy xi măng.

"Tất cả lượng tro bay được chở bằng hệ thống xe bồn kín để vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Trường hợp bao tiêu không hết nhà máy sẽ trộn với xỉ ướt...", ông Quang cho biết.

Theo ông Quang: Từ năm 2014, đã có các đơn vị bao tiêu tro xỉ tìm đến nhà mát này. Thiết kế bãi tro xỉ chứa được 9 triệu tấn trong điều kiện nhà máy chạy 2 tổ máy. Khi có tổ máy 3, 4 vào vận hành thì Công ty đã phải có phương án.

"Chúng tôi đã đặt bài toán nếu không có đơn vị bao tiêu thì hồ chứa đạt khoảng 80%. Khi có đơn vị bao tiêu thì không cần đặt vấn đề mở rộng dung tích hồ xỉ. Hiện nay, nếu tiếp tục khai thác thế này hồ xỉ của nhà máy chủ yếu là nước, tới năm 2020", ônh Quang nói.

Mời cả dân vào tham quan nhà máy

Ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng cũng cho hay, Công ty này đã có quy chế phối hợp kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường với địa phương.

"Nhà máy của chúng tôi nằm trên dọc trục Quốc lộ 10 cũ, nên Công ty cũng đã phối hợp với công ty môi trường đô thi để quét dọn. Chúng tôi còn mời người vào khảo sát việc xử lý tro thải tại nhà máy và đều nhận được phản hồi tích cực", ông Nam nói.


Người dân gần khu vực nhà máy cũng xin tro xỉ để làm gạch không nung

Người dân gần khu vực nhà máy cũng xin tro xỉ để làm gạch không nung

Ông Nam bổ sung thêm, ban đầu khi dự án mới đưa vào vận hành chưa có hướng xử lý tro xỉ, nên rất nóng bỏng. Mỗi năm thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ, hồ chứa theo thiết kế chứa được khoảng 10 năm, nếu công ty này không xử lý thì sẽ đầy. Hướng xử lý cụ thể là biến tro xỉ thành sản phẩm có ích cho xã hội, chứ không phải gây ô nhiễm.

“Tro xỉ hiện có thể là vật liệu xây dựng, nhiều đơn vị vào bày tỏ nhu cầu bao tiêu. Hai năm qua chúng tôi tập trung xử lý cùng các đơn vị biến tro xỉ từ “chất gây ô nhiễm thành vật liệu có ích cho xã hội”, ông Nam nói.

Tổng giám đốc Nguyễn Thường Quang cho biết thêm: Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu, áp dụng công nghệ để giảm chất cháy carbon còn lại trong tro bay (lượng than còn lại trong tro khi đốt lò giảm tới mức tối thiểu) để vừa tiết kiệm được than, vừa tăng chất lượng tro.

“Đến giờ gần như chất thải rắn của nhà máy gần như đã được tiêu thụ hết, tương đối yên tâm về xử lý tro xỉ, không còn là mối đau đầu như trước”, ông Quang khẳng định.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi không đặt nặng vấn đề thu được doanh thu từ tro xỉ, mà chủ yếu làm sao có đơn vị họ thu mua giải quyết, tiêu thụ cho mình. Giá dao động theo chất lượng, khoảng 10.000 đồng một tấn, có lúc lên tới 18.000 – 20.000 đồng một tấn. Từ nhà máy vận chuyển tới nơi tiêu thụ thì các đơn vị bao tiêu cũng phải đầu tư khác nhiều: xe bồn chuyên chở, vệ sinh môi trường…".

Câu chuyện tiêu thụ tro xỉ than ở Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đúng là một cách giải quá tốt cho bài toán xử lý tro xỉ hiện nay ở nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than ở Việt Nam. Trên thực tế, một số nhà máy đã xử lý tro xỉ chưa tốt, có thời điểm tác động tiêu cực đến môi trường.

Xử lý tro xỉ than: Bài học không dễ áp dụng

Vấn đề của một số nhà máy khác là ở khu vực nhà máy đó, không có người mua tro xỉ do thị trường chưa có nhu cầu. Cho nên thậm chí, nhiều nơi cho không nên cũng không có đơn vị nào đến lấy do đó, chủ đầu tư phải đầu tư bãi chứa, công nghệ xử lý rất tốn kém để đảm bảo an toàn môi trường.


Hồ chứa chất thải của nhà máy nay chỉ để chứa nước

Hồ chứa chất thải của nhà máy nay chỉ để chứa nước

Trao đổi về điều này, theo ông Nam, có thể phía Nam thị trường chưa có thói quen.

"Ở phía Bắc nhiệt điện than đã có từ lâu đời, thị trường biết tới tro bay từ lâu và có hướng sử dụng. Trước đây, nhiều nơi đã đóng gạch không nung…Một số nhà máy xi măng cũng dung nguyên liệu này. Phía Bắc công nghiệp xi măng phát triển, quanh nhà máy cũng nhiều nhà máy xi măng, rồi Hải Dương, Hà Nam…Trong ngành công nghiệp xây dựng, người ta còn thêm tro xỉ vào trộn bê tông để tăng hoạt tính của bê tông lên", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, hiện nay, ở các tỉnh phía Nam, do các nhà máy điện ở xa, cước phí vận chuyển đến trung tâm tiêu thụ lớn, nâng giá thành lên… có thể là nguyên nhân cản trở. Nhân dân chưa quen dung sản phẩm tro xỉ. Hơn nữa, các nhà máy xi măng ở phía Nam ít.

Ông Nam cho rằng, về phía Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích về công nghệ, thuế để họ quen với sản phẩm này; cơ chế tạo điều kiện cho mua gom xử lý sản phẩm này.

Bài học của Công ty Nhiệt điện Hải Phòng trong xử lý tro xỉ còn được ông Nam diễn giải: Lúc đầu nhà máy cũng bán tự do, quản lý rất khó khan, xuất hiện tình trạng tranh giành nhau. Sau đó nhà máy đưa ra chính sách bao tiêu, chỉ thu gọn lại ở những nhà thầu có năng lực, họ sẽ tự đi tìm hiểu thị trường và có trách nhiệm tiêu thụ hết. Không còn hiện tượng tranh mua tranh bán, lộn xộn nữa.

"Lúc đầu, chúng tôi cũng chỉ định tìm một nhà độc quyền, nhưng phương án này cũng không khả thi. Chia cho 4 nhà bao tiêu theo 4 xi lô thì nhà máy quản lý cũng dễ dàng hơn. Đo công tơ theo sản lượng điện thì tính doanh nghiệp bao tiêu phải trả tiền cho nhà máy bao nhiêu, chứ không phải cân đo đong đếm", ông này nói.

Tổng giám đốc Nguyễn Thường Quang cho rằng, ở các tỉnh phía Nam, hệ thống giao thông nông thôn cũng chưa thật tốt, nếu tận dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện để làm đường thì rất tốt. "Cũng cần coi đây là một tài nguyên để có hướng sử dụng, khai thác", ông Quang nói.

Hà Anh