Thương mại điện tử Việt đang "dọn cỗ" cho doanh nghiệp ngoại xí phần

(Dân trí) - Trung bình mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam chi 160 USD/năm cho thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, đa phần các chi tiêu này qua kênh bán hàng nước ngoài, trong khi đó nhiều DN hoạt động TMĐT trong nước không thể khai thác được tiềm năng vì vốn, công nghệ và niềm tin khách hàng.

Mảnh đất màu mỡ của TMĐT đang phát triển với tốc độ hơn 22% tại Việt Nam đang được các chuyên gia trong ngành ví như "bày cỗ" ra cho các DN ngoại xí phần, phân chia lợi nhuận. Còn các DN trong nước, đang vật lộn với đủ mọi thứ để tồn tại, giành giật và cạnh tranh.

Thị trường 4 tỷ USD thuộc về Amazon, Alibaba, eBay

Tại Diễn đàn thương mại điện tử 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, đánh giá về tiềm năng TMĐT Việt Nam, bà Đặng Thuỷ Hà, Trưởng đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội, cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2016 trị giá lên tới 4 tỷ USD, trung bình mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam chi 160 USD/năm và tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đã lên tới 22% hàng năm.

Thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng giá trị giao dịch vẫn nằm trọn trong tay các trang TMĐT nước ngoài (ảnh minh hoạ)
Thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng giá trị giao dịch vẫn nằm trọn trong tay các trang TMĐT nước ngoài (ảnh minh hoạ)

"Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam hiện chỉ khoảng 4 tỷ USD, bằng 1/30 so với thị trường Nhật Bản. Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đang cao hơn 2,5 lần Nhật Bản, khoảng 35%", bà Hà cho hay.

Cũng theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam hiện nay, trong 5 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt giá trị lên tới 10 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong 10 năm tới có thể lên đến 30- 50%/năm. Đây là cơ hội lớn cho DN TMĐT trong nước tận khai.

Theo VECOM, hiện giao dịch lớn nhất của thị trường TMĐT là (B2B) doanh nghiệp và doanh nghiệp. Trong năm 2016, 32% DN Việt đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều đặt hàng qua các hãng TMĐT lớn từ nước ngoài, nơi có nguồn hàng đa dạng, giá cạnh tranh

Về giao dịch của khách hàng cá nhân, theo VECOM, người Việt mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten... có uy tín cao hơn các trang bán hàng trực tuyến trong nước.

Thiếu đủ thứ, thương mại điện tử Việt bị "xơi tái"

Giao dịch là vậy, còn thị trường cạnh tranh của các DN TMĐT Việt Nam với các hãng nước ngoài ngay trên sân nhà hiện nay ra sao? Mới đây nhất, tháng 8/2016, cái tên Lingo - DN TMĐT Việt ngừng hoạt động đã khiến nhiều người bất ngờ. Dù chưa có lí do chính xác nhưng theo nhiều lời đồn đón, DN này chấm dứt hoạt động vì bị ngừng rót vốn. Được biết Lingo là trang web được thành lập năm 2012, trước đó công ty chủ quản là Công ty cổ phần truyền thông VWG đã nhận được khoản tiền đầu tư 240 tỷ đồng của nhà mạng NTT Docomo Nhật Bản.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên DN TMĐT nội địa phải dừng cuộc chơi, khi năm 2015, hàng loạt DN TMĐT Việt Nam đã phải đóng cửa như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn...vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh. Cùng với đó nhiều trang TMĐT trong nước cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, như tháng 4/2016, Rocket Internet (chủ sở hữu của Zalora Việt Nam) đã bán lại sàn TMĐT cho Central Group (Thái Lan). Hay hãng TMĐT lớn nhất Trung Quốc đã chính thức mua lại sàn TMĐT Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ 1 tỷ USD.

Ngoài hàng hoá, du lịch trực tuyến là một lĩnh vực phát triển mạnh của TMĐT qua biên giới và đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam. Hiện tỷ lệ lớn khách du lịch Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thông qua TMĐT xuyên biên giới, các DN ngoại đã thu lời lớn. Trong khi đó, các DN Việt lâm vào tình trạng "bán mình", rút khỏi thị trường và kinh doanh không hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia, DN TMĐT Việt hoạt động không hiệu quả vì thiếu vốn, thiếu ý tưởng và chiến lược cạnh tranh. Trong khi đó, đây lại la lợi thế của DN ngoại. Điều này đã dẫn tới, thị phần TMĐT đang là mảnh đất màu mỡ cho các DN ngoại xâu xé, phân chia lợi nhuận.

Nguyễn Tuyền