Thịt lợn mất giá, không nên đổ cho thị trường Trung Quốc

(Dân trí) - “Năm qua, công tác dự báo thị trường kém, không chủ động điều hòa cung cầu tốt làm thịt lợn mất giá chứ không nên đổ cho thị trường Trung Quốc không có nhu cầu”, Ths. Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết.

Theo đó, tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo 2018, ông Thỏa nhận định rằng, giá thịt lợn Việt Nam trong năm qua chỉ bằng 50% giá thành sản xuất, sự chênh lệch quá nhiều này gây ra lỗ lớn cho người chăn nuôi.

“Do đó, lại tiếp tục điệp khúc giải cứu như giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt lợn,... mà những giải pháp hô hào tiêu thụ, mua tống táng đó không có gì hiệu quả cả”, ông Thỏa nói.

Ông Thỏa cho rằng những giải pháp hô hào tiêu thụ, mua tống táng thịt lợn để giải cứu không hiệu quả mà cần biện pháp cụ thể, có tính lâu dài. (Ảnh: Hoàng Thắng)
Ông Thỏa cho rằng những giải pháp hô hào tiêu thụ, mua tống táng thịt lợn để giải cứu không hiệu quả mà cần biện pháp cụ thể, có tính lâu dài. (Ảnh: Hoàng Thắng)

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho biết rằng tất nhiên, giảm giá thì có lợi cho người tiêu dùng nhưng giảm đến mức như vậy là không hợp lý với chỉ số giá và mặt bằng giá.

Điều này sẽ kéo mặt bằng giá xuống rất thấp, dẫn đến không hợp lý. Ít nhất giá thị trường phải ngang bằng với chi phí thì mới phát triển được đàn lợn và có sản phẩm ổn định cho người tiêu dùng thường xuyên và bình ổn giá.

Theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thì về câu chuyện thịt lợn, vì không có kế hoạch dự trữ, không có kho lạnh nên người chăn nuôi, thương lái mới phải bán tháo, dẫn đến mất giá thảm hại.

Đáng nói, đối với những doanh nghiệp (DN), những đơn vị có tủ đông lạnh bảo quản thịt lợn thì họ vẫn bán lên tới 90.000 đồng/kg thịt, thậm chí “ém” hàng để chờ thị trường khan hiếm mới bán nhưng có những nơi cố bán tháo chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.

Do đó, ông Phú cho rằng, nếu chính bản thân nội tại người chăn nuôi và DN không làm tốt những vấn đề cơ bản thì thịt lợn Việt Nam còn phải chịu trận.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng trong năm qua, bình ổn đôi khi là phi thị trường.

Cụ thể, trong đó, ông Phú dẫn chứng, có lúc giá thịt lợn sắp lên để người dân có lãi thì lại bình ổn xuống nhưng giá thịt lợn ngoài siêu thị tăng cao thì lại không ai bình ổn cả.

“Đây chính là bình ổn hai đầu mà cả hai đầu đều sai. Cung cầu là cân đối giữa hàng hóa và giá cả trên thị trường. Tất nhiên sẽ không có tình trạng ngăn sông cấm chợ, nhưng vấn đề là điều hành hàng hóa ra sao để người dân được lợi nhất”, ông Phú cho hay.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đồng tình tại hội thảo rằng, đối với mặt hàng thịt lợn, người nghèo phải chịu thiệt đơn thiệt kép.

“Giá lợn hơi hiện nay chỉ đủ hòa vốn, phải lên 30.000 -40.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới được lãi”, ông Phú nói thêm.

Hồng Vân

Thịt lợn mất giá, không nên đổ cho thị trường Trung Quốc - 2