Tay buôn Thổ Tang kéo cả làng lên núi mở chợ: Đại gia bái phục
Khu vực có các công trình thủy điện, vùng kinh tế mới hay khắp các bản làng vùng cao phía Bắc,... bất kỳ chỗ nào có cơ hội, ngay lập tức dân buôn Thổ Tang xuất hiện để mở chợ buôn bán đủ các mặt hàng phục vụ sinh hoạt. Đó cũng là lý do mà cái tên “ông trùm chợ vùng cao” được gắn với những người Thổ Tang chuyên đi mở chợ ở nơi đồng rừng heo hút.
Ở đâu đông người, nơi đó có chợ người Thổ Tang
Gần 5 giờ chiều, anh Lê Văn Quân mới kiểm xong hàng trên một xe chở đầy ắp các loại quần áo, chăn, màn, xoong nồi,... rồi vỗ vỗ tay vào cửa xe bảo bác tài, bảo “Chú đi được rồi, hàng đã đủ”. Quay ra uống chén nước chè, anh bảo: “Còn phải bốc một chuyến nữa mới đủ số lượng hàng cho thằng cu em trên Lai Châu”.
Anh Quân cho hay, nhà có 3 anh em, anh buôn bán ngay tại đất Thổ Tang, còn hai đứa em lên miền ngược buôn bán đã gần 20 năm nay. Vài ba năm, 2 đứa mới về xuôi ăn Tết, sum vầy với gia đình.
Nhắc tới câu chuyện lên vùng miền ngược mở chợ , anh liền cười khà khà, nhấp tiếp ngụm nước chè rồi vừa chép miệng vừa gật gù nói: "Chính là hai thằng em tôi đó". Rồi anh kể: “Thổ Tang vốn được gọi là xã thương lái, là làng tiểu thương bởi cả làng hầu như nhà nào cũng theo nghề buôn. Buôn bán không chỉ ở trong xã, trong huyện mà còn ra khắp các tỉnh thành khác”.
Dân ở đây có tài lanh, cực kỳ nhạy bén, thấy chỗ nào buôn được là đến. Hồi hai đứa em của anh bắt đầu lên Lai Châu cũng chỉ là để đánh ngô, sắn, trâu bò thu gom được của bà con dân bản về xuôi bán buôn kiếm lời. Nhưng, trong quá trình đi buôn, thấy một số vùng dân trên đó đông như vậy mà không có chợ, muốn mua gì cũng khó. Thế là, hai đứa quyết định đánh hàng dưới xuôi lên để bán, gồm quần áo, chăn màn, nồi niêu, bát đũa, mắm muối mì chính,... Dần dần, những người Thổ Tang khác cũng lên đó rồi tụ họp thành chợ bán cho dân trong vùng.
Cứ vài chục người tụ họp lại lập thành một chợ nên đi mấy tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái,... đâu đâu cũng thấy người Thổ Tang. Có nơi, người Thổ Tang chiếm 3/4 lượng người buôn bán tại chợ.
Chưa hết, chuyện đi mở chợ không những nhiều mà còn nhanh đến mức nếu những người được nghe kể không phải dân Thổ Tang thì sẽ không tin, sẽ nghĩ rằng dân ở đây chỉ giỏi dựng chuyện bốc phét. Song, đó là những câu chuyện thật 100%, bởi mở chợ đã thành một nghề của người dân nơi đây.
"Các cô cũng biết tới thuỷ điện Sơn La đúng không. Hồi đó, Quốc hội mới chỉ gật đầu đồng ý làm thuỷ điện Sơn La, hôm trước hôm sau đã có mấy trăm anh em người Thổ Tang kéo nhau lên đó mở chợ bán rau, thịt, mắm, muối, mì chính,... để phục vụ nhu cầu ăn uống của hàng nghìn công nhân xây dựng thuỷ điện", anh Quân cho hay.
Hay như mới đây, thuỷ điện Na Hang (Tuyên Quang) vừa khởi công, lập tức đã có vài chục hộ dân lên đó lập chợ cũng chỉ để bán những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Bởi, họ biết, công trình thuỷ điện luôn được xây dựng ở nơi đồng rừng heo hút, xa nhà dân, xa chợ. Trong khi đó, ngày 3 bữa, công nhân xây dựng cần được ăn uống đầy đủ nên họ chuyển thực phẩm lên đó bán phục vụ nhu cầu của mọi người. Khi công trình kết thúc cũng là lúc họ rút quân, tìm kiếm công trình mới để mở chợ, anh Quân chia sẻ.
Những chuyến xe hàng đánh ngược lên vùng cao mang theo nhiều mặt hàng thiết yếu
Ông trùm phân phối vùng cao
Bà Định - người cũng gắn bó cả đời với nghề buôn ở Thổ Tang, chia sẻ, dân Thổ Tang buôn bán khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí là buôn xuyên quốc gia. Song, trên các tỉnh vùng cao phía Bắc nước ta, dân Thổ Tang lên đó buôn bán đông tới mức được gọi là "ông trùm chợ vùng cao".
Theo bà Định, danh "ông trùm chợ vùng cao" không phải ngẫu nhiên có. Mà bởi, chợ trên đó, đa phần do người Thổ Tang lập ra rồi đưa hàng hoá ở dưới xuôi lên đó bán.
Không chỉ vậy, một lượng lớn thương lái chuyên thu mua nông sản của bà con dân tộc cũng là người Thổ Tang. Mùa nào thức đó, ngô mua ngô, sắn mua sắn, rồi mua trâu bò, mua chè,... có thứ gì buôn bán được là họ mua hết. Mua xong, họ tập kết vào kho, chờ xe ô tô tải dưới xuôi lên đổ hàng xong thì lại “ăn” hàng này về.
Với người Thổ Tang, gen kinh doanh có trong người theo kiểu được di truyền nên rất giỏi chuyện tính toán. Bao nhiêu năm nay, xe chở các mặt hàng từ quần áo, giầy dép, xoong nồi, bát đũa, rau củ,... cho đến những bóng đèn điện, những cây kim sợi chỉ, những cuốn sách quyển vở lên đó bán. Lúc xe về lại được chở đủ thứ nào là ngô, sắn, trâu bò,... về lại Thổ Tang bán, không bao giờ để các xe tải trống không chạy một chiều. Vì thế, ở các tỉnh vùng cao, dân Thổ Tang thâu tóm cả đầu ra lẫn đầu vào tạo thành một vòng tròn khép kín.
Mỗi chuyến xe đi đi về về như vậy đã lãi cả chục triệu đồng. Một gia đình tuần đánh cả 2-3 chuyến ngược lên vùng cao phía Bắc rồi lại xuôi về, tính ra kiếm được hàng tỷ đồng/năm.
Nhiều gia đình làm ăn khấm khá, họ trở thành những đại lý phân phối hàng lớn trên các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La,... sau đó chuyển khẩu hẳn lên đó định cư và giữ mối với người nhà ở Thổ Tang để chuyển hàng lên rồi chuyển hàng về bán.
Với hệ thống phân phối và điều hành kinh doanh hoàn thiện như trên, nghe kể chuyện dân buôn Thổ Tang mà nhiều đại gia phân phối, siêu thị chỉ còn biết ngã mũ bái phục.
Theo Bảo Phương
VietnamNet