1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Tăng trưởng làm tích cực thị trường BĐS

(Dân trí) - Sự khởi đầu lạc quan của nền kinh tế đã trở nên hứa hẹn đối với bất động sản (BĐS) Hà Nội. Quý I vừa qua, thị trường đã chứng kiến đợt chào bán lại của một số dự án cao cấp mà trong đợt chào bán trước không mấy thành công.

Những con số hứa hẹn
 
Nền kinh tế Hà Nội đã có bước khởi đầu mạnh mẽ trong quý 1/2010 với GDP đạt 8,7%, cao hơn mức GDP 5,83% trung bình cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên ngành du lịch trong nước chứng kiến mức tăng trưởng 3,8% so với cùng kỳ năm 2009 với hơn 2,15 triệu lượt khách.
 
Tăng trưởng làm tích cực thị trường BĐS - 1
Ngành du lịch phát triển sẽ đẩy mạnh thị trường khách sạn
 
Theo nhận định của một số chuyên gia, sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đã thu hút được sự chú ý của các nhà bán lẻ, đại lý kinh doanh nhượng quyền và những doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
 
Bằng chứng là mặc dù vốn FDI đăng ký “rơi” xuống 30 triệu USD nhưng các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 50 triệu USD. Chỉ riêng trong quý I, Hà Nội đã cấp giấy phép cho tổng cộng 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
Dù mỗi dự án nói riêng có số vốn đăng ký tương đối thấp (trung bình khoảng 0,5 triệu USD) nhưng số lượng các dự án đã thể hiện rằng thị trường này vẫn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nguồn khách (thuê và mua) là những người làm việc cho các công ty đa quốc gia.
 
Không những vậy, sự tăng trưởng của một nền kinh tế đang phát triển như ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã khiến lĩnh vực bất động sản nhận được quan tâm ngày càng lớn từ các công ty nước ngoài và các quỹ đầu tư.
 
Hướng tới 1000 năm Thăng Long - hàng loạt dự án đầu tư xây dựng tại Hà Nội được triển khai, trong đó có những dự án về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và đó cũng chính là lý khiến đất đai, nhà ở một số khu vực có trục giao thông lớn đi qua tăng giá.
 
Sự chuyển mình của Thủ đô còn được thấy mạnh mẽ hơn khi Hà Nội đang thực hiện quy hoạch mở rộng, để thay “chiếc áo mới” rộng hơn với nhu cầu lớn về thị trường BĐS.
 
91% căn hộ chào bán là trung cấp
 
Rõ ràng, với nền kinh tế tăng trưởng như vậy, thị trường BĐS Hà Nội đã có một sự khởi đầu lạc quan trong năm 2010, đặc biệt đối với phân khúc thị trường nhà ở và khách sạn.
 
Theo thống kê của CBRE, đã có hơn 5.000 căn hộ được chào bán tại Hà Nội trong quý I, trong đó căn hộ trung cấp chiếm 91% tổng cung mới, số còn lại là căn hộ hạng sang và bình dân.
 
Đáng chú ý, sự sôi động của thị trường BĐS trong quý I cũng chứng kiến đợt chào bán lại của một số dự án hạng sang và cao cấp do đợt chào bán trước trong quý IV/2009 không mấy thành công (dự án có giá chào bán trên 1.500 USD/m2). Còn những dự án có giá thành dưới 1.000 USD/m2 thì chỉ một thời gian ngắn chào bán là đã hết hàng.
 
Cùng với quá trình Hà Nội mở rộng về phía Tây (khu vực Mỹ Đình), phần lớn các dự án chung cư diễn ra tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông và Từ Liêm, nơi ít bị hạn chế về độ cao và nguồn cung đất đai cũng dồi dào hơn.
 
87% dự án chung cư trong quý này được đặt tại các quận, huyện phía ngoài trung tâm bao gồm Hoài Đức, Thanh Trì và Hà Đông. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện khiến khu vực phía Tây trở nên hấp dẫn hơn với người mua nhà tiềm năng, do giao thông giữa các địa điểm này với khu vực trung tâm ngày càng thuận tiện.
 
Về thị trường khách sạn, một phân khúc có ảnh hưởng rất lớn tới con số 2,15 triệu lượt khách du lịch trong quý I/2010 vừa qua, trong đó lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh.
 
Theo chỉ số doanh thu phòng trung bình (RevPAR) - công cụ phản ánh tình hình kinh doanh của ngành khách sạn, so với quý I/2009, các khách sạn 5 sao giảm 8,6% với doanh thu trung bình đạt 73,33%. Các khách sạn 3 sao có tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ tăng 26%, lên 22,81 USD.
 
Trong khi đó, phân khúc khách sạn 4 sao tăng nhẹ lên 32,52 USD, công suất thuê trung bình của toàn bộ thị trường đạt 60%... Đây là những con số khiến những nhà kinh doanh khách sạn cảm thấy hài lòng.
 
Công ty tư vấn Savills dự đoán, nhu cầu của thị trường khách sạn có thể sẽ giảm trong hai quý tiếp theo do thời gian tới là mùa thấp điểm. Tuy nhiên, tình hình chính trị  kém ổn định tại Thái Lan có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng cầu cho ngành khách sạn Việt Nam trong tương lai.
 
Dự kiến, trong năm 2010, sẽ có khoảng trên 1.000 phòng khách sạn từ 3 - 5 sao được đưa vào sử dụng ở Hà Nội. Và đây sẽ là nguồn cung quan trọng để phục vụ cho dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong tháng 10 tới.
 
Lan Hương