1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

BĐS thay đổi chiến lược hay điều tiết thị trường?

(Dân trí) - Thị trường BĐS đang chứng kiến những thay đổi đáng kể về giá nhà không chỉ của các chủ đầu tư dự án mà cả nhà đầu tư thứ cấp. Liệu đây có phải là cách thu hút vốn nhanh nhất từ phía người mua trong khi lãi suất ngân hàng đột biến tăng mạnh?

BĐS thay đổi chiến lược hay điều tiết thị trường? - 1
Chung cư Lê Văn Lương Residential được thay đổi chiến lược đầu tư.
 
Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đang chuẩn bị kế hoạch mở bán đợt 2 tại khu chung cư CT7 - Lê Văn Lương Residential thuộc khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông, dự kiến trong đầu tháng 4 tới.

Tuy nhiên, không giống như đợt bán căn hộ lần trước diễn ra vào cuối năm 2009, chủ đầu tư cho biết sẽ thay đổi không chỉ về giá nhà mà cả về diện tích căn hộ. Cụ thể, sẽ có tới 70% trong tổng số 400 căn hộ được bán trong đợt này có diện tích trung bình từ 60 - 70m2.

Theo ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường, trước tình trạng khách hàng khi đến sống ở nhiều khu đô thị đều phải sửa chữa, thay thế, gây lãng phí (trừ một số khu đô thị cao cấp thực sự), đợt bán lần này có thêm sự lựa chọn với những căn hộ theo hình thức khách hàng tự hoàn thiện, với mức giá dự kiến là 14 triệu đồng/m2, và thời gian góp vốn trong 36 tháng.

Mặt khác, việc thiết kế những căn hộ có diện tích sẽ hợp lý và bù đắp vào đó chủ đầu tư  sẽ gia tăng cho các dịch vụ tiện ích công cộng như khu CLB giải trí, cafe, chăm sóc sức khỏe... “Chính vì vậy, sản phẩm mới này sẽ phù hợp với tâm lý chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn sở hữu một căn hộ tại thủ đô hiện nay” - ông Việt nhận định.

Vì sao lại có sự thay đổi đột biến đến vậy? Theo lý giải của một số nhà đầu tư, trạng thái thị trường giờ đã khác hẳn so với thời điểm cuối năm 2009, lúc thị trường đang ở đỉnh điểm.

Trong đó, đối với phân khúc nhà giá bình dân, mặc dù lợi nhuận không cao như căn hộ cao cấp, nhưng tiến độ bán và dòng vốn được quay vòng nhanh do vừa túi tiền và đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân.

Ngoài ra, sự thay đổi về chính sách tiền tệ, tăng lãi suất mạnh mới đây đã khiến các doanh nghiệp cần phải có những điều chỉnh thích hợp, trong đó chú trọng đến nguồn vốn từ khách hàng, những người có nhu cầu về nhà ở.

Điều này đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư cần phải tính toán so sánh giữa một bên là đưa ra mức giá căn hộ cao và vay ngân hàng với một bên là công bố giá thấp hơn để thu hút mạnh nguồn lực từ khách hàng thông qua hình thức góp vốn, trả dần.

Thực tế, sự thay đổi này không phải chỉ thấy trong chiến lược của các chủ đầu tư dự án mà cả đối với các nhà đầu tư thứ cấp. Trước sức ép về lãi suất ngân hàng cũng như muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhiều dự án khu vực phía tây thành phố như Xa La, Văn Khê, Văn Phú (Q. Hà Đông) tiếp tục xu hướng đi xuống khi mức giá trung bình chỉ còn 15-16 triệu/m2 (chênh với giá gốc từ 2-3 triệu/m2).

Khu Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) hiện tại chỉ còn khoảng 21 - 22 triệu đồng/m2 (giá gốc 14 triệu đồng/m2). Đất liền kề khu D, khu đô thị Lê Trọng Tấn-Geleximco (quận Hà Đông và huyện Hoài Đức) cũng được rao trong khoảng 20-22 triệu đồng/m2.

Nhà chung cư khu CT5, lô M-khu đô thị Tân Triều (X.Tân Triều, H.Thanh Trì) do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chru đầu tư được rao bán với giá gốc 16,5 – 16,7 trriệu đồng/m2 (chênh lệch khoảng 300-500 ngàn đồng/m2)…

Tháng 3 cũng là thời điểm các sàn vàng buộc phải đóng cửa. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang lĩnh vực BĐS - một nơi vẫn được cho là mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và có tính ổn định hơn nếu so với thị trường chứng khoán. Tuy vậy, cuộc chơi này đòi hỏi cần có sự tính toán kỹ, nhất là khi lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay.

Lan Hương