1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

So giá xăng VN với khu vực là "khập khiễng" và "thiếu thuyết phục"

Sau bản tin của Petrolimex cho rằng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn mặt bằng các nước trong khu vực, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự so sánh này là khập khiễng và thiếu thuyết phục.

Hôm qua, trong bản tin của mình, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) đã thừa nhận, giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh, nhưng giá trong nước chưa thể giảm theo vì xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá của một số nước trong khu vực.
 
So giá xăng VN với khu vực là "khập khiễng" và "thiếu thuyết phục" - 1
Theo các chuyên gia, thuế nhập khẩu của các nước trong khu vực cao hơn nhiều lần VN

Tuy nhiên, sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự so sánh này của Petrolimex là hoàn toàn khập khiễng và không thuyết phục.

Theo Petrolimex, xăng A92 tại Việt Nam đang bán với giá 21.300 đồng/lít; thấp hơn Lào 5.225 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 4.095 đồng/lít, thấp hơn Singapore 12.161 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.048 đồng/lít.

Tuy nhiên, có thể Ptrolimex không biết hoặc cố tình lờ đi mức thuế xăng dầu ở những nước này rất cao. Sở dĩ giá xăng dầu ở các nước cao ở Campuchia, Singapore cao hơn Việt Nam như vậy là do thuế nhập khẩu của các nước đánh vào mặt hàng này hiện cao gấp từ 5 đến 7 lần so với Việt Nam.

Chẳng hạn, Việt Nam chỉ vừa mới tăng thuế nhập khẩu xăng lên 5% sau một thời gian dài áp thuế suất 0%, nhưng ở Campuchia, mức thuế suất này vào thời điểm thấp nhất cũng là 20% và hiện tại là 35%. Tương tự, ở Singapore, thuế nhập khẩu xăng hiện đang ở mức 31%, đó là chưa kể nước này còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng ở mức rất cao để bảo vệ môi trường.

Như vậy, nếu Việt Nam cũng áp mức thuế nhập khẩu cao như ở Campuchia hay Singapore thì giá xăng trong nước sẽ phải cao hơn hiện nay tới gần chục nghìn đồng mỗi lít, tức là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực mà Petrolimex đưa ra làm ví dụ để giải thích cho lý do chưa thể hạ giá bán lẻ xăng dầu. 

Tăng thuế hay hạ giá xăng dầu? Câu trả lời này còn phụ thuộc vào sự điều tiết của cơ quan nhà nước. Sự điều tiết này lại căn cứ vào những báo cáo từ chính doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp thông báo lỗ là người dân biết lỗ, doanh nghiệp bảo lãi, cơ quan quản lý biết là lãi, đang khiến cho việc tính giá xăng dầu thiếu minh bạch gây bức xúc trong nhân dân. Một cơ quan kiểm toán độc lập trước khi quyết định giá xăng dầu tăng hay giảm là yêu cầu chính đáng của hàng chục triệu người dân Việt Nam đang hàng ngày sử dụng sản phẩm không thể thiếu này.

Tuần trước, Bản tin Tài chính Kinh doanh đã nêu ý tưởng của một số chuyên gia về việc kiểm toán độc lập về giá xăng dầu. Các công ty kiểm toán đều khẳng định: Phương pháp này hoàn toàn khả thi.

Ngay sau khi phát sóng phóng sự này, phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh đã liên hệ với lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hỏi về ý kiến từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này thông báo đang đi công tác và hẹn 1 tuần sau.

Vào ngày hôm qua (4/7), khi liên lạc lại với lãnh đạo Petrolimex, đại diện doanh nghiệp này đã từ chối trả lời với lý do, kiểm toán hay không là quyền quyết định của cơ quan quản lý, hãy để cho cơ quan quản lý trả lời.

Theo Mạnh Hùng
vtv.vn