1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại biểu Quốc hội:

Phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng cải cách tiền lương không chỉ là chi từ ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương mà phải coi đây là khoản đầu tư vào nhân tố quan trọng nhất để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) (Ảnh: QH).

Thảo luận tại Quốc hội sáng nay (9/11), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn khi chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đây là giải pháp ứng phó quan trọng với dịch bệnh, hồi phục kinh tế sau đại dịch.

"Đặc biệt dịch Covid-19 đã khiến chúng ta yếu về chất lượng nay lại yếu về số lượng. Lực lượng lao động dịch chuyển về nông thôn, rời bỏ các đô thị, rời bỏ các khu công nghiệp. Để hồi phục kinh tế sau đại dịch, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng", đại biểu Nga nói.

Nêu quan điểm, đại biểu Nga cho rằng cần có giải pháp cụ thể để phát triển theo cả 2 nhánh: khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, khu vực trong nước và lao động nước ngoài.

Việc chú trọng nguồn nhân lực theo đại biểu Nga phải theo cả hướng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, có tính đón đầu xu hướng. Còn đối với nhân lực đang có thì cần tăng cường bồi dưỡng, tạo cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, giữ chân nhân lực chất lượng cao, hạn chế chảy máu chất xám...

Nhắc thêm về vấn đề chảy máu chất xám, đại biểu Nga cho biết đây vốn là thực trạng đáng buồn xảy ra trong thời gian dài. Thậm chí không chỉ đối diện với nguồn nhân lực từ Việt Nam chảy ra nước ngoài mà đối với khu vực công, việc giữ chân người có tài, có tầm rất khó.

Nữ đại biểu cho rằng giải pháp quan trọng vẫn là cải cách tiền lương để giải quyết thực trạng này. "Tuy nhiên việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn còn tương đối rụt rè", bà Nga nói.

Theo đại biểu này, cải cách tiền lương không chỉ là việc chi từ nguồn ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đây là khoản đầu tư vào nhân tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhanh, lành mạnh bền vững kinh tế xã hội.

Bà Nga cho biết, đây cũng là giải pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo toàn nguồn nhân lực trước gánh nặng mưu sinh. Tham nhũng khiến nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh hoa đất nước trở thành mối nguy. Không đóng góp mà còn gây thiệt hại nặng nề, theo đại biểu Nga.

Theo bà Nga, thiệt hại của tham nhũng khó phục hồi được trong một thời gian ngắn. Đó là sự giảm sút lòng tin của người dân, của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư ở Việt Nam. Thách thức cạnh tranh nguồn nhân lực luôn là tất yếu khi phát triển kinh tế xã hội, muốn thu hút là phải trả cho người lao động mức thu nhập xứng đáng. Bên cạnh đó phải xây dựng môi trường lao động văn minh công bằng, thanh lọc nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cao.

Tất cả những giải pháp trên, theo bà Nga, đã đề cập nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt nên cần quan tâm với những giải pháp rõ ràng. Đào tạo đã khó, giữ chân còn khó hơn nhiều lần, đặc biệt đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất là khi càng ngày chúng ta càng phải đối mặt với mức độ cạnh tranh quốc tế càng cao, thiên tai, dịch bệnh càng nhiều.

Cũng quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao mà thời gian qua dường như chúng ta đã bỏ sót, khai thác không hiệu quả, hay nói cách khác là bị chảy máu chất xám, đó là các du học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nước ngoài.

"Nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc, được các tập đoàn, công ty nước ngoài trả lương cao, môi trường làm việc tốt. Thậm chí, trong đại dịch Covid-19 vừa qua có nhiều người bản địa ở một số nước thất nghiệp nhưng những lưu học sinh của chúng ta ở lại làm việc lại không bị ảnh hưởng gì. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực này là rất cao", bà Thơ nói.

Trước đó đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Chính phủ bổ sung và nhấn mạnh giải pháp quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đó chính là cải cách thủ tục hành chính.

"Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy thì việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất", đại biểu Hà nói.

Theo đại biểu Hà, thông qua thủ tục cải cách hành chính có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, qua đó xây dựng bộ máy phù hợp và có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đáp ứng yêu cầu về tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối các cơ quan hành chính Nhà nước.

"Cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, phân cấp, phân quyền, phân công, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số", đại biểu Hà nhấn mạnh.