Ông Bùi Quang Vinh: “Việt Nam chưa giàu đã già”
(Dân trí) - Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam để phát triển kinh tế là có dân số vàng. Thế nhưng, lợi thế này chỉ còn tối đa 10 năm nữa. 30 năm qua chúng ta làm được rất nhiều việc nhưng tiếc là dân số vàng còn lãng phí. Việt Nam chưa giàu đã lo toan tuổi già.
Còn nghèo rớt mà đã già thì rất nguy hiểm
Ngày 18/5, tại trường ĐH Tôn Đức Thắng đã diễn ra buổi tọa đạm “Tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hóa”. Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) là diễn giả chính.
Chia sẻ trước đông đảo giảng viên, sinh viên, ông Vinh cho biết, đây là lần đầu tiên ông nhận lời nói chuyện với một trường đại học sau khi thôi chức Bộ trưởng. Đã có nhiều lời mời, trong đó có cả trường đại học danh tiếng của Mỹ là Harvard nhưng ông đều từ chối.
Chia sẻ về những chặng đường phát triển của đất nước, ông Bùi Quang Vinh cho rằng, những ai từng sống những năm 1980, xếp hàng dài dằng dặc để mua mấy lạng thịt, quả trứng, từng đi vào những ngõ ngách của cuộc sống thì mới hiểu được giá trị của đổi mới.
"30 năm trước, Việt Nam là đất nước kiệt quệ, nghèo nhất thế giới, lạm phát những năm 1980 đến 40%. Sau 30 năm đổi mới, nước ta có bước tăng trưởng ngoạn mục được thế giới đánh giá tăng trưởng chỉ đứng sau Trung Quốc. Thành tựu đó chính là nhờ nước ta chủ động chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nếu giữ cách cũ thì chúng ta không có cuộc sống như ngày hôm nay", ông tâm sự với các sinh viên.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, phải biết quá khứ để hướng đến tương lai. Đừng mình so với chính mình để rồi tự mãn mà hãy nhìn sang bên cạnh như Philippines, Malaysia…. Và có một thực tế là chúng ta đã đạt kết quả nhưng vẫn là nước nghèo!.
Ông Vinh cho rằng, đổi mới và phát triển là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết đối với nước ta trong hoàn cảnh hiện nay. Đây là giai đoạn phát triển dân số vàng của Việt Nam. Phải tận dụng lợi thế dân số vàng nếu không sẽ đối mặt với dân số già.
Theo ông Vinh, bình quân thời gian dân số vàng là 50 năm. Dân số vàng Việt Nam được tính từ năm 1970 và đến năm 2020 là hết giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, nước ta có thể kéo dài tuổi dân số vàng đến hết năm 2025. Nghĩa là, Việt Nam chỉ còn 10 năm dân số vàng.
Theo ông Vinh, Việt Nam bắt đầu già hóa dân số từ năm 2015. Năm 2035, dự báo quy mô dân số nước ta là 108 triệu người nhưng độ tuổi trên 65 chiếm 15% dân số (16 triệu người). Độ tuổi lao động trẻ cũng sẽ giảm rất nhanh. “Già hóa dân số đang là thách thức của nước ta. 30 năm qua chúng ta làm rất nhiều việc nhưng tiếc là còn quá lãng phí dân số vàng. Thời gian dân số vàng còn ngắn lắm nếu không cố gắng phát triển kinh tế thì chúng ta chưa giàu đã vội lo già. Một dân tộc chưa làm gì, còn nghèo rớt mà đã già thì rất nguy hiểm”, ông Vinh nói.
Đừng ngồi đó nhâm nhi chiến thắng
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết điều ông trăn trở nhất trong tất cả các trăn trở chính là nguồn nhân lực của chúng ta không được đào tạo và sử dụng có hiệu quả.
“Dân số đứng thứ 14 trên thế giới. Chỉ số IQ khá, năng động, cần cù… Vậy tại sao nước ta lại yếu kém. Đổi mới có hiệu quả mà sao nhiều thứ chúng ta chưa hài lòng?”, ông Vinh trăn trở.
Theo ông Vinh, thể chế của chúng ta chỉ quan tâm đến đầu vào mà không quan tâm đến đầu ra. Kiểm soát đầu vào chặt chẽ mà không xem xét kết quả. Chưa có nước nào thi vào Đại học khó như Việt Nam. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng mất ăn mất ngủ. Còn ở nước ngoài, cửa vào Đại học luôn rộng mở nhưng đầu ra rất khó.
Xuất phát từ “tư duy” giáo dục đó, dẫn đến năng suất lao động nước ta giảm rất mạnh. Trong khi đó, khi hội nhập kinh tế, một trong 3 cạnh tranh sòng phẳng với các nước chính là năng suất lao động.
Ông Vinh cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực, bằng 1/20 lần Singapore và 1/15 Malaysia. 44% lao động nước ta làm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nông nghiệp tỷ trọng GDP còn khá thấp. Lao động chính thức (tức có hợp đồng lao động, bảo hiểm) thấp hơn lao động phi chính thức (bán cà phê, xe đẩy, không hợp đồng, kinh doanh tự do). Năng suất lao động trong cái mà ta tưởng giàu có như ngân hàng, bất động sản cũng rất thấp. Đó là nguyên do vì sao tiền đổ vào nhiều nhưng thành quả là những dự án bỏ hoang ở Hà Nội, TPHCM.
“Không đổi mới những điều như trên thì sao kỳ vọng đất nước cất cánh?. Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chứ không chỉ thỏa mãn thành quả 30 năm và ngồi đó nhâm nhi chiến thắng. Nếu không đổi mới sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông Vinh nói.
Ông Vinh khẳng định, trong nhiệm kỳ trước đã xác định, “hình thù” Việt Nam 20 năm sau tức năm 2035 là hướng đến “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ”, GDP bình quân đầu người thấp nhất là 18.000 – 22.000 USD. Điều đó có nghĩa, mức độ tăng trưởng tối thiểu trong 20 năm tới nước ta phải đạt 6-8%/năm.
Theo ông Vinh, muốn đạt được “hình hài Việt Nam” như trên thì phải đổi mới thể chế. “Đổi mới là đặt ra những điều mà chúng ta biết là đúng mà không làm, nói quá nhiều mà không làm, đặt ra mà không làm”, ông Vinh nói.
“Năm 2035, nước ta sẽ có nền kinh tế tương đương Malaysia năm 2010, đuổi kịp Indonesia và Philippines về trình độ phát triển kinh tế. Nếu không tiếp tục đổi mới, không cải cách mạnh mẽ thì sau 20 năm nữa, Việt Nam thua Lào và Campuchia”, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết thêm.
Công Quang