1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghị trường Thường vụ Quốc hội "nóng" vì mục tiêu tăng trưởng GDP

(Dân trí) - Lo ngại với tốc độ tăng trưởng đạt thấp trong quý I và sự đình đốn về sản xuất hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu GDP tăng 6% là khó đạt được và đề cập đến điều chỉnh mục tiêu. Song, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là chưa nên.

Trong phiên thảo luận về nội dung Kinh tế - xã hội chiều 20/4, hội trường Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở nên "nóng" hơn với những tranh luận sôi nổi xung quanh các vấn đề về chỉ tiêu tăng trưởng cũng như lạm phát.

Nghị trường Thường vụ Quốc hội nóng vì mục tiêu tăng trưởng GDP
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phải đảm bảo được chân kiềng thứ 3 là tăng trưởng hợp lý nhưng không nên điều chỉnh chỉ tiêu (ảnh: B.D).


CPI tháng 4 tăng 0,06%

Theo đó, kết thúc quý I, tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước chỉ đạt mức 4%, thấp nhất trong rất nhiều năm (trừ 2009) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,55% so với tháng 12/2011. Sang tháng 4 này, kết quả CPI, theo như công bố của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, mức tăng chỉ 0,06% - thông tin cụ thể sẽ được đưa ra vào chiều hôm nay, ông Vinh cho biết.

Trước kết quả này, nhiều ý kiến tại Thường vụ tỏ ra "sốt ruột", cho rằng, nhiều khả năng nền kinh tế đã bắt đầu suy thoái và mục tiêu đạt tăng GDP cả năm 6% là vô cùng khó khăn.

Là người đặt vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nghi ngại: Trong hơn 3 tháng vừa qua, kinh tế trì trệ, sức sản xuất không được giải phóng như vậy, áp lực sẽ đè nặng như thế nào lên người lao động và xã hội nói chung? Bà khẳng định, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải làm nhưng liệu việc đảm bảo tăng trưởng hợp lý có thực hiện được hay không. "Cứ trì trệ như thế này, liệu có phải đã đến lúc cần những bước điều chỉnh" - bà nói.

Bà Phóng cũng đưa ra một bài toán rất thực tế rằng, việc giải quyết khó khó khăn cho doanh nghiệp, từ giảm thuế cho đến các mức giảm thu đều đã và đang được bàn đến, "nhưng ở đâu cũng giảm thu thì chúng nhà nước lấy gì mà tiêu?". Trong khi đó, thanh khoản của ngân hàng được cải thiện, lãi suất đã giảm, song "tại sao doanh nghiệp vẫn kêu nhiều như thế?". Theo bà, đã đến lúc phải xem xét một cách nghiêm túc và có những bước đi cụ thể cho vấn đề này, còn "hiệu triệu là rất cần đấy nhưng thực tế đâu chỉ có hiệu triệu là giải quyết được?".

Tiếp nối mạch vấn đề, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, mục tiêu CPI cả năm dưới 10% là rất khả thi nhưng GDP nếu dưới 6% thì nguy cơ sẽ xảy ra giảm phát và ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý.

Một quý đưa ra kết luận là chưa có cơ sở

Mặc dù đồng ý rằng thực tế, doanh nghiệp và một bộ phận người dân đang bị tác động tiêu cực từ chính sách thắt chặt và rất khó khăn, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vẫn khái quát: "Nhìn một cách tổng thể, tình hình cả quý I là tốt".

Ông dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nhận xét, mức GDP đạt được 4% thấp nhưng chưa phải lo lắng, bởi thông thường, quý I bao giờ GDP cũng đạt mức thấp nhất cả năm. Có nhiều lý do, trong đó có lý do nghỉ Tết khiến hoạt động sản xuất bị ì lại.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, GDP thấp là một thực tế phải chấp nhận khi kiềm CPI ở mức thấp - đây là hai chỉ số luôn đi liền với nhau và phải đánh đổi.

Tuy nhiên, ông không khỏi bày tỏ sự "sốt sắng" của mình, bởi nếu lạm phát giảm bình thường là điều mừng song lạm phát giảm đột ngột và quá nhanh là đáng lo ngại. Hay như câu chuyện xuất siêu trong quý I "nghe thì mừng nhưng ngẫm thì lo". Đằng sau con số đó là đình đốn sản xuất, không có nhu càu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Dù vậy ông không đồng ý với việc kết luận quá sớm rằng nền kinh tế đã bước vào suy thoái, mà mới chỉ là "có dấu hiệu của suy thoái". Đây cũng là nội dung được đề cập ở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 3. Mới một quý mà đưa ra kết luận kinh tế suy thoái là không có cơ sở, ông Vinh nhấn mạnh.

Việc đưa ra đánh giá và kết luận theo ông nên phải chờ đến tháng 5 hoặc hết quý II. Lạm phát được thống kê theo tháng còn GDP phải đánh giá theo từng quý, hết quý II sau khi nhìn thấy được xu thế tăng - giảm của các chỉ tiêu thì mới nên tính đến điều chỉnh.

Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng, cân nhắc có thể điều chỉnh nhưng đó là điều không nên. "Tôi nghĩ, điều chỉnh không phải là hay lắm. Nếu không đạt thì thực tế nó không đạt. Chứ không đạt mà điều chỉnh mục tiêu để cho đạt thì không phải là cái mà nền kinh tế cần. Mới quý I mà nói đến điều chỉnh là hơi sớm."

Làm rõ từ "điều chỉnh", bà Ngân cắt nghĩa: "Tôi cho rằng, mục tiêu thì kiên trì nhưng chính sách nên có điều chỉnh và linh hoạt". Một ví dụ được nhiều thành viên Thường vụ chiều nay đưa ra đó là việc điều hành của năm 2009, đây là năm có nhiều sự điều chỉnh trong mục tiêu điều hành của Chính phủ. Song, bà Ngân cho rằng, tình hình năm nay không giống 2009, nếu năm nay điều chỉnh, bà nhắc lại, chỉ nên điều chỉnh về chính sách điều hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính  - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đưa ra lưu ý, năm 2009 có tới 7 tháng liên tục tăng trưởng âm, trong khi năm nay, quý I dù đạt thấp 4% thì vẫn có tăng trưởng, chứ không phải là tăng trưởng âm.

Nghị trường Thường vụ Quốc hội nóng vì mục tiêu tăng trưởng GDP
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu: Chính phủ mới đưa ra phản ánh, phải có giải pháp thì Quốc hội mới yên tâm (ảnh: B.D).


Không tránh khỏi tăng giá điện, xăng dầu

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, "Chính phủ mới chỉ nói lên đánh giá mà chưa có phương án. Phải có phương án thì Quốc hội mới yên tâm được".

Ông Vinh nói, thực tế, Bộ đã có xem xét và đã có những phương án để khắc phục và sẽ cố gắng để giữ tăng trưởng trên 5%, rơi vào khoảng 5,5%. Hiện các đối tác phát triển đang rất lo ngại Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến tình hình lạm phát lại quay lại. Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Bốn tháng khoảng 3% thì theo tính toán của ông Vinh, giữ được mức này thì cuối năm đã 9%, còn lơ là thì việc vượt trên 10% không phải là không thể xảy ra.

Đến đây, ông Vinh cho biết, sắp tới, việc tăng giá xăng dầu và giá điện là điều không tránh khỏi, dù có mang lại áp lực cao cho xã hội. Mục tiêu kiềm lạm phát vẫn là ưu tiên nhưng sẽ phải tính đến mức thắt chặt như thế nào là đúng mực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 5 năm là 7%. Theo đó, trong 3 chân kiềng kiềm lạm phát, ổn định vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý thì vẫn phải đảm bảo được mức tăng trưởng hợp lý.

Khép lại nội dung trao đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận: "Chúng ta nói ổn định vĩ mô, an sinh xã hội nhưng phải đảm bảo tăng trưởng, không tăng trưởng thì không làm được gì". Ông yêu cầu Chính phủ phải cập nhật thêm và làm rõ được các yếu tố suy giảm của tăng trưởng kinh tế để đưa ra những hành động, thiết thực, đảm bảo mức tăng trưởng nên ở mức 6% - đó đã là mức được thống nhất là "hợp lý" và không cần xem xét lại.

Bích Diệp