1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tăng trưởng GDP 4% trong quý I: Lời cảnh báo sớm

(Dân trí) - Với GDP quý I chỉ 4%, sức ép để đạt được mức tăng trưởng hợp lý 6% là không nhỏ, cùng tình hình tồn kho đáng lo ngại, cầu thị trường yếu, để tránh tình trạng đình đốn kinh tế và suy thoái thì hỗ trợ nhất định cho tăng trưởng là cần thiết.

Tăng trưởng GDP 4% trong quý I: Lời cảnh báo sớm
Nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với thách thức mới đó là sự đình đốn trong sản xuất và tiêu thụ.

 Theo đánh giá được đưa trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Thống kê từ đầu năm đến ngày 21/3/2012, cả nước có trên 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.

 Cơ quan điều hành nhìn nhận, “khó khăn hiện nay của sản xuất công nghiệp là giá và chi phí đầu vào ở mức cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao”.

Trong khi đó, lãi suất mắc dù giảm nhưng vẫn còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Tình hình thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa vụ đông xuân bị chậm lại, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng.

Trong phần triển khai kế hoạch, Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại. Trong đó, một nhiệm vụ lớn đặt ra là “kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội”.

Theo đó, trước mắt vẫn phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy thị trường trong nước…

Chính phủ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, trong những ngày gần đây, sau khi đón nhận kết quả quý I, không ít lo ngại đã xuất hiện khi lạm phát mặc dù xuống thấp song kéo theo đó tăng trưởng cũng chùng lại một cách đáng ngại, sản xuất đình đốn và tồn kho tăng. Những biểu hiện này dấy lên quan ngại về những dấu hiệu của hiện tượng giảm phát và suy thoái.

Bích Diệp