1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM:

Ngân hàng xoay xở "trăm phương nghìn kế" thu hồi nợ xấu

(Dân trí) - Kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nhà nhà phải chắt bóp chi tiêu và vì thế nợ xấu của ngân hàng tăng lên đáng kể. Để đòi những món nợ xấu này, nhiều ngân hàng cũng “toát mồ hôi”.

Chiều 6/6 vừa qua, trụ sở Công ty TNHH Trường Ngân (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) náo nhiệt khi có hàng chục người đến đây để giải quyết món nợ tín dụng mà doanh nghiệp này đã vay.

Đại diện thu hồi nợ của 7 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Quân đội MB, Ngân hàng Quốc tế VIB, ngân hàng Phương Đông OCB, Agirbank, Maritime Bank, Vietinbank và Techcombank đều cử lực lượng bảo vệ nhằm giám sát nhà kho - nơi được cho là còn hàng ngàn tấn cà phê tồn kho của doanh nghiệp. Thông tin ban đầu cho hay số hàng này đang được thế chấp tại một loạt ngân hàng trên.

Đây chỉ là một trong số những vụ thu hồi nợ mà các ngân hàng đều “dính chùm”. Thời gian gần đây, kinh tế khó khăn, nợ xấu nhiều, nên các ngân hàng bằng nhiều biện pháp, “nghiệp vụ” khác nhau, đã âm thầm giải quyết nợ xấu mà có không ít chuyện “dở khóc dở cười”.

Anh L. trưởng đội xử lý nợ của một ngân hàng TMCP có hội sở tại TPHCM kể, đợt vừa rồi đội của anh xử lý món nợ mà khách hàng đang bị xử lý hình sự và bị tranh chấp bởi rất nhiều chủ nợ khác. Trị giá lô hàng lên đến vài chục tỷ đồng. Vì vậy, rất khó khăn khi vừa thuyết phục người nhà khách hàng đồng ý dùng món hàng này trả nợ cho Ngân hàng vừa phải “chọi” lại với các chủ nợ khác. Các chủ nợ khác khi biết được thông tin ngân hàng đến chuyển hàng thì liền dàn xe tấn các cổng ra vào không cho hàng ra khỏi kho. Ngân hàng phải dùng nhiều biện pháp từ mời công an, công ty “thừa phát lại” để ghi nhận và lập những bằng chứng thì mới thu hồi được số nợ này”.

Cũng theo anh L., đi xử lý nợ xấu nhiều khi còn bị khách hàng thuê xã hội đen để dằn mặt.
 
Nhân viên ngân hàng lên fecebook tìm thông tin, thu hồi nợ xấu
Đại diện 7 ngân hàng đang "vây" công ty Trường Ngân ở Bình Dương để thu hồi nợ chiều 6/6 (Ảnh: V.Lê)

Nhân viên tín dụng ở các ngân hàng khóc dở khi phải dính những món nợ xấu này: nghỉ việc cũng không xong mà thu hồi thì khó khăn cực độ. Vừa qua tại một số các ngân hàng có trường hợp Phó Tổng giám đốc, thậm chí là Tổng giám đốc bị điều xuống làm nhân viên thu hồi nợ chỉ vì “dính” những món nợ xấu khó đòi này. Có anh bạn nhân viên tín dụng vui mừng gọi cho tôi đi nhậu vì “được nghỉ việc”. “Phải trầy trật cả năm mới được giải quyết nghỉ việc đấy nhé. Còn khối đứa đang sống dở chết dở trong kia kìa”, anh chia sẻ.

Kinh tế đi xuống các ngân hàng tận thu tất tần tật các khoản nợ. Kể các các khoản vay thấu chi cách đây vài năm cũng bị các ngân hàng đào lại và giao chỉ tiêu đòi nợ cho nhân viên.

Tuy những khoản thấu chi này không nhiều, khoảng 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng/1 khách hàng, nhưng để làm ra 500 ngàn đồng thì ngân hàng phải cho vay từ 100 đến 200 triệu đồng. Vì vậy có nhiều trường hợp mà khách hàng “bỡ ngỡ” khi bị ngân hàng gọi đến đòi nợ. Có khách hàng đã nghỉ hưu từ lâu bỗng đâu bị ngân hàng gởi giấy đòi nợ. Tá hỏa ra mới nhớ ngày xưa có một thẻ thấu chi mà không bao giờ dùng đến nên đưa bà xã, bà xã cũng dùng vài lần rồi… “quên mất”.

Có nhiều khách hàng bây giờ truy lại không còn bất cứ một thông tin nào vì số điện thoại thì đã đổi, nhà trọ đã chuyển, chỗ làm cũng chuyển nốt... Vậy là nhân viên ngân hàng phải mò mẫm từ những số tài khoản khác đã giao dịch với khách hàng để tìm hiểu. Có trường hợp nhân viên ngân hàng lên facebook để làm quen và lấy thông tin. “Có khách hàng tôi không thể đòi nợ được nên lên facebook để xin làm quen và được khách hàng này khoe đang làm ở công ty ABC. Vậy là mình liền đến công ty của họ để ngồi chờ và gây sức ép bắt họ trả nợ”

Cũng có trường hợp nhân viên ngân hàng phải tra từ mã số thuế và lên cả google xem khách hàng có mua bán gì không để lấy số điện thoại và địa chỉ… Còn với anh K., nhân viên tín dụng một ngân hàng chia sẻ: “Có khi đi đòi nợ khách hàng mà vợ khách hàng thì chỉ còn vài ngày nữa đến kì sinh nở. Lúc đó mình cũng không thể làm rắn với họ được. Bởi vì cái tình vẫn là trên hết”.
Nếu làm đúng quy trình, thủ tục khi cho vay thì không đến nỗi phải vất vả xử lý nợ xấu
Nếu làm đúng quy trình, thủ tục khi cho vay thì không đến nỗi phải vất vả xử lý nợ xấu

Về vấn đề “thu hồi nợ trong thời khủng hoảng”, ông T. lãnh đạo của một ngân hàng chia sẻ: “Khi nền kinh tế đi xuống, các ngân hàng hoạt động theo phương châm “hạn chế cho vay, thúc đẩy đòi nợ”. Nhưng không có nghĩa các ngân hàng dùng mọi phương cách để đòi bằng được bởi dù sao đi nữa khách hàng là chìa khóa quyết định sự tồn vong của ngân hàng. Ra tòa chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà các bên đàm phán không thể đi đến thống nhất. Còn một khi khách hàng vẫn mong muốn trả nợ nhưng vì tình hình khó khăn nên có sự chậm trễ thì các ngân hàng đều cố gắng tìm ra những biên pháp nhất định để đôi bên cùng có lợi”.

Tình hình kinh tế sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy nợ xấu sẽ còn tiếp diễn. Thiết nghĩ các ngân hàng cũng như nhân viên tín dụng khi cho vay nên làm đúng quy trình và thủ tục. Đừng vì những khoản “cắt xén” mà cho qua rồi đến khi xảy ra những món nợ xấu mới “nháo nhào” tìm cách giải quyết.

Công Quang