1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mua bán, sáp nhập - cuộc đào thải ngân hàng

Đối với một nền kinh tế chưa thực sự mạnh như Việt Nam thì sự tồn tại của quá nhiều NH, trong đó có nhiều NH năng lực yếu sẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tiền tệ, tác động xấu đến nền kinh tế...

Hệ thống ngân hàng (NH) được coi là xương sống của nền kinh tế quốc gia, cho dù quốc gia đó đã phát triển hay mới chỉ ở giai đoạn đang phát triển. Nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế của một số quốc gia trong thời gian gần đây có thể thấy đều bắt đầu từ sự sụp đổ của hệ thống NH. Ngay nền kinh tế đóng vai trò đầu tàu thế giới là Mỹ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng cũng được đánh dấu từ sự đổ vỡ của hàng loạt NH. Còn đối với nước ta, đâu là thực trạng của hệ thống ngân hàng?

 
Mua bán, sáp nhập - cuộc đào thải ngân hàng  - 1
Mua bán, sáp nhập được đánh giá là xu hướng tất yếu, đồng thời là cơ hội để tái cơ cấu ngành ngân hàng (Ảnh chỉ mang tính minh họa).


Bài 1: Gánh nặng ngân hàng nhỏ


Đã từng có thời kỳ, ở nước ta, hàng loạt NH mới được ồ ạt thành lập, vì NH được nhìn nhận như kênh đầu tư "siêu" lợi nhuận. Đối với một nền kinh tế chưa thực sự mạnh như Việt Nam thì sự tồn tại của quá nhiều NH, trong đó có nhiều NH năng lực yếu sẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tiền tệ, tác động xấu đến nền kinh tế...

Thủ phạm "châm ngòi" các cuộc đua lãi suất

Vẫn biết nguyên nhân của các cuộc chạy đua về lãi suất trong mấy năm gần đây xuất phát từ những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, song phải thừa nhận, mở màn cho các cuộc chạy đua này luôn là những NH nhỏ. Nhìn lại những thời điểm lãi suất tăng "nóng", có thể dễ dàng nhận thấy dẫn đầu là những ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhỏ, với nguồn vốn hạn chế, tính thanh khoản yếu.

Có những thời điểm các NH mới ồ ạt ra đời, dẫn đến tình trạng một số NHTM nhỏ "chới với", khó khăn trong huy động nguồn vốn để rồi phải tìm cách huy động với lãi suất "ngất ngưởng" đã xảy ra, gây xáo trộn hệ thống NH. Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia cũng cho rằng, những NH mới chưa có thương hiệu, tên tuổi, nên không dễ dàng thu hút nguồn tiền gửi từ dân cư cũng như doanh nghiệp (DN).

 

Do vậy, để có thể hút vốn, các NH này không có lựa chọn nào khác là tăng lãi suất huy động VND cao hơn hẳn so với NH khác. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có quy định về trần lãi suất huy động, các NH này vẫn tìm cách "lách" trần bằng mọi giá. Chỉ cần một NH "châm ngòi nổ" là các NH khác phải đua theo, một phần vì muốn giữ chân khách hàng cũ, phần khác là để thu hút khách hàng mới. Cuộc đua "ngầm" về lãi suất cứ thế diễn ra và lần nào cũng quyết liệt.

Gần đây nhất và cũng được coi là cuộc đua dài nhất chưa có hồi kết là cuộc chạy đua lãi suất huy động từ cuối năm 2010 đến nay. Trần lãi suất huy động vẫn đứng ở 14%/năm, song có vẻ như mức này không có ý nghĩa gì khi các NH đưa lãi suất "leo thang", có thời điểm đạt tới 21-22%/năm.

 

Lãi suất huy động cao kéo theo hệ lụy là lãi suất cho vay cao. Nếu như "đỉnh" của huy động là 22%/năm, người vay sẽ phải trả lãi vay đến 25-26%/năm, với "đầu vào" 17-18%/năm thì mức lãi suất cho vay cũng phải đạt tới 21-22%/năm.

Nhiều NH lý giải nếu không tăng lãi suất sẽ khó hấp dẫn người gửi tiền vì lạm phát. Song nếu không có những cuộc "châm ngòi" của NH nhỏ thì tình trạng chạy đua ngầm về lãi suất chắc chắn sẽ không khốc liệt đến thế.

 

Nếu tất cả các NH đều có tính thanh khoản tốt sẽ không có chuyện phải tìm mọi cách để "lách" quy định, đưa lãi suất leo từ "đỉnh" này sang "đỉnh" khác. Nếu cuộc đua lãi suất không xảy ra chắc chắn DN sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

13,6% tổ chức tín dụng hoạt động kém hiệu quả
 

Hiện nay, nước ta có 5 NH quốc doanh, 39 NHTM cổ phần và 5 NH 100% vốn nước ngoài. Tổng tài sản của cả hệ thống NH đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng và vốn điều lệ đạt trên 250 nghìn tỷ đồng. NH có tổng tài sản lớn nhất lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, với vốn điều lệ hơn 20 nghìn tỷ đồng, trong khi có NH chỉ "khiêm tốn" với tổng tài sản chỉ đạt chưa đến 20% so với NH lớn nhất hệ thống.

 

Một số NH tuy may mắn có tổng tài sản lớn hơn, nhưng vẫn là quá nhỏ cho một NH. Số lượng các NH có tổng tài sản khiêm tốn không phải là ít trong cả hệ thống. Nghịch lý là ở chỗ, mặc dù có tổng tài sản khác nhau nhưng các NH đều phải "chạy đua" để có thể đạt tới cùng một số vốn điều lệ theo quy định.

Nhìn lại hệ thống NH nước ta, có thể thấy rõ sự chênh lệch giữa các NH về tổng tài sản, vốn điều lệ, đến số lượng chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, số lượng nhân viên, từ đó có sự khác nhau rõ rệt về lợi nhuận.

 

Tất nhiên, mỗi NH có một tiêu chí hoạt động, hướng tới những đối tượng khách hàng nhất định, song rõ ràng là khó có thể so sánh một NH có tổng tài sản vài chục nghìn tỷ đồng với một NH chỉ có nghìn tỷ đồng. Chẳng thế mà có NH thưởng tết cho nhân viên cao nhất tới hàng tỷ đồng, trong khi có NH chỉ cộng thêm 1 tháng lương. Cũng vì lý do đó mà nhân sự của NH thường xuyên thay đổi đến mức chóng mặt, có những người thay đổi chỗ làm ở vài NH chỉ trong 1 năm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, kết quả và hiệu quả kinh doanh giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước không đồng đều, trong đó có 13,6% số lượng các TCTD hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chênh lệch thu nhập trừ chi phí nhiều tháng đầu năm bị âm.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do những NH đó có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nhỏ, quản trị điều hành kém linh hoạt. Đó cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu của các NHTM chưa có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian qua. Và như vậy, việc tồn tại những NH nhỏ kinh doanh kém hiệu quả chỉ là gánh nặng cho hệ thống NH nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.


Theo Đức Anh

Hà Nội Mới

Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất