1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng nhỏ gặp khó vì trần lãi suất

Quy định áp trần lãi suất (LS) tối đa 6% đối với tất cả các kỳ hạn dưới 1 tháng kể từ ngày 1/10 được đánh giá như một đòn "chí mạng" với các ngân hàng thương mại (NHTM) đang đói thanh khoản.

“Đói” nên ăn gian

 

Sau hơn 1 tháng chống đỡ với trần LS và đối mặt với việc nguồn vốn chạy khỏi NH, một số NH lại phải dùng đến thủ đoạn lách trần. Lần này là lãi ngày, lãi tuần, thậm chí không kỳ hạn cũng được đẩy lên 14%/năm.
 
Ngân hàng nhỏ gặp khó vì trần lãi suất - 1
NHNN cần bơm tiền cho các NH khó khăn thực sự - ảnh: Ngọc Thắng

 

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường Đào tạo nhân lực của Vietinbank: “Các NH đói thì đầu gối phải bò chứ chẳng ai dại gì đi huy động 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần với LS 14%/năm. Sau mỗi ngày, mỗi tuần lãi nhập vào gốc, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi đơn đẻ lãi kép. Nếu 1 ngày lãi 14% thì 1 năm lãi 15%; 1 tuần lãi 14% thì 1 năm sẽ lên tới 16%. Lách trần như thế thì cũng lộ liễu quá, mà rủi ro kỳ hạn thì vô cùng lớn”.

 

Đây cũng chính là lý do theo bà Mùi, NH Nhà nước (NN) lại phải “ấn” thêm một biện pháp hành chính nữa, đặt trần LS các kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa 6%/năm.

 

Nhiều năm gắn bó với các bảng cân đối tài sản nợ - có, bà Võ Thị Sánh - Ban Nguồn vốn, NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thấy một điều rất tệ trong hệ thống là các NH cứ đi quay vòng vốn của nhau với tốc độ rất nhanh thay vì chú trọng đưa tiền vào kinh doanh, sản xuất.

 

Nguyên nhân, vì LS thị trường liên NH thấp, LS thị trường dân cư bị biến tướng ở mức cao, tạo ra độ chênh lớn. Tiền huy động tại các hội sở chính thì thừa, còn các chi nhánh lại thiếu, nên các NH khó khăn đi vay ở hội sở, rồi gửi lại các chi nhánh NH mình vừa vay, tạo ra lượng vốn ảo lớn. Khi chênh lệch LS không còn, các NH không còn kẽ hở để xoay xở, các NH nhỏ vốn dĩ khó khăn thanh khoản bắt đầu “hoảng hốt”. “Họ đang đứng trước 2 lựa chọn, hoặc là phải ăn gian, nói dối để huy động vốn của người gửi tiền hoặc là để cho thanh khoản gặp căng thẳng, đối mặt với rủi ro vỡ hệ thống”, bà Sánh nói.

 

TS Mùi cho biết: “Rủi ro thanh khoản là đáng sợ nhất, vì vậy, lãi cao đến mấy cũng không ai dám liều để cho vay. Các NH yếu kém thanh khoản, đường cùng đành phải “mò” ra thị trường 1 để lách trần LS”.

 

Chờ NHNN làm “bà đỡ”

 

Lúc này, các NH đang tiến thoái lưỡng nan, không vượt rào thì mất vốn, đứng trước nguy cơ vỡ thanh khoản, nhưng vượt rào lại sợ bị “trảm tướng" như tuyên bố của Thống đốc NHNN. Lãnh đạo một NH cho rằng, LS cả hệ thống bằng nhau, dần dà người gửi tiền sẽ đi tìm NH lớn, độ tin cậy cao chứ không gửi NH chưa có tên tuổi.

 

Mặt khác, dư nợ tín dụng đẩy ra rồi, huy động sụt giảm thì chỉ còn cách bán tài sản, repo lại tài sản để đảm bảo thanh khoản. “Đã có người nói với tôi rằng, nếu bán đi không đủ thì lại phải làm gian dối huy động LS. Nhưng thà bị phạt vẫn có cơ hội sống, còn hơn là khủng hoảng thanh khoản”, vị này nói.

 

Bà Sánh thì cho rằng, thị trường đang tương đối khó khăn, muốn giảm LS nên hút vốn khả dụng đang dư thừa tạm thời tại một số NH hoạt động trên thị trường 2, không đẩy ra được vì hết hạn mức. NHNN nên hút về một lượng vượt dự trữ bắt buộc và áp dụng LS hợp lý so với thị trường, sau đó sử dụng để tái cấp vốn cho các NH khó khăn. Như vậy sẽ ổn định hơn, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu gây áp lực cho các NH.

 

TS Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng đề xuất, nếu đã dùng hành chính thì nên dùng luôn một thể cho đồng bộ, khi nào thị trường ổn định thì dỡ bỏ.

 

Theo đó, có thể áp luôn cả LS trần trên thị trường liên NH, tránh việc các tổ chức tín dụng “chặt chém” nhau, gây rối loạn thị trường. Bà Hương cũng cho rằng, biện pháp của NHNN là để bảo vệ người gửi tiền, cũng như các doanh nghiệp, và sự an toàn hệ thống, nhưng ở thời điểm này, người tiêu dùng rõ ràng đang chịu thiệt thòi hơn.

 

“Chính sách điều hành phải có tầm nhìn xa hơn, trong vòng vài tháng hoặc 1 năm. Nếu đã áp trần tiền gửi 14%/năm, nên đặt thêm trần LS cho vay 20%/năm. Trong biên độ đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vay 17-18%/năm, còn vay tiêu dùng và tối cần thiết có thể 20%. Như thế chính sách đồng bộ, người tiêu dùng cũng đỡ thiệt thòi hơn”, bà Hương nói.

 

Theo Anh Vũ
Thanh Niên

 

Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất