MobiFone có được phép miễn công bố giá trị thương vụ mua AVG hay không?

(Dân trí) - Công luận hiện cũng đưa ra nhiều dò đoán giá trị thương vụ “bí hiểm” MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Tuy nhiên người đại diện pháp luật và người được ủy quyền công bố thông tin của MobiFone lại từ chối công bố giá trị thương vụ với lý do bên mua và bên bán đã ký kết với nhau điều khoản bảo mật.

Dù được chính thức công bố hoàn tất từ tháng 1/2016 nhưng cho tới nay các bên liên quan vẫn chưa từng đề cập tới giá trị của thương vụ này ra bên ngoài.
Dù được chính thức công bố hoàn tất từ tháng 1/2016 nhưng cho tới nay các bên liên quan vẫn chưa từng đề cập tới giá trị của thương vụ này ra bên ngoài.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc Tổng công ty Viễn thông Di động (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Trước đó, vào tháng 1/2016, thông cáo chính thức về việc mua cổ phần tại AVG được MobiFone phát đi.

Tại thông cáo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016. Đến năm 2020, MobiFone muốn trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

AVG là thương hiệu truyền hình đã tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền vào cuối năm 2011. Hiện AVG có khoảng hơn 400.000 thuê bao trên tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Thị phần vẫn chủ yếu tập trung vào VTVCab, VSTV (K+), VTC, SCTV...

Trong khi đó, MobiFone được thành lập cuối năm ngoái, khi tách ra từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) với vốn điều lệ trên 15.000 tỷ đồng, do Nhà nước nắm giữ 100%. Ông lớn viễn thông này hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với việc phát triển tập trung vào 4 mảng chính gồm: di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện.

Tại thời điểm diễn ra thương vụ này, nhiều câu hỏi được đặt ra như vì sao MobiFone lại mua AVG mà không phải doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác? Tại sao MobiFone không tự xây dựng hạ tầng như AVG khi việc xây dựng này được xem cũng không có nhiều khó khăn? MobiFone sẽ mua AVG trước cổ phần hóa hay sau? Sau khi mua AVG việc định giá lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa như thế nào? MobiFone mua AVG với cách thức như thế nào và giá bao nhiêu?

Công luận hiện cũng đưa ra nhiều dò đoán giá trị thương vụ “bí hiểm” MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Tuy nhiên người đại diện pháp luật và người được ủy quyền công bố thông tin của MobiFone lại từ chối công bố giá trị thương vụ với lý do bên mua và bên bán đã ký kết với nhau điều khoản bảo mật.

Liên quan tới câu hỏi này, tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: "Câu hỏi về giá của AVG bao nhiêu và MobiFone mua bao nhiêu, các cơ quan thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép sẽ định giá cụ thể và việc mua - bán này liên quan đến việc đàm phán giữa các đối tác với nhau. Chúng ta không thể dự đoán hoặc áng chừng giá bao nhiêu được”.

Trong một văn bản công bố cuối chiều nay (3/8), ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, AVG do 1 công ty 100% vốn tư nhân điều hành quản lý, chứng tỏ các ngành nghề kinh doanh của AVG không ảnh hưởng an ninh, bí mật quốc gia.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành đã phân định rõ những ngành nghề quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an ninh kinh tế như sau: Chỉ có doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được kinh doanh những ngành nghề liên quan đến bí mật, an ninh chính trị quốc gia; Doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ hay Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với những ngành kinh doanh quan trọng và có điều kiện;

"Đối chiếu các qui định pháp luật thì thông tin về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG không thuộc diện bí mật quốc gia. Giá trị thương vụ mua AVG không thể không biết dù người đại diện Mobifone từ chối tiết lộ", ông Hải cho biết.

Theo đại diện VAFI, MobiFone sẽ phải công bố đầy đủ báo cáo tài chính của năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, qua đó người ta có thể dễ dàng biết được “thông tin bị từ chối tiết lộ“. Bên cạnh đó, Mobifone đang tiến hành thủ tục cổ phần hóa cho nên cũng sẽ phải công bố thông tin chi tiết về tình hình hoạt động và giá trị từng loại tài sản khi IPO.

"Thương vụ mua AVG thuộc loại thông tin phải công bố tức thời ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán. Việc mua lại AVG là 1 hoạt động đầu tư lớn của Mobifone nhằm mở ra 1 ngành kinh doanh mới và thông tin này phải công bố bất thường. Do đó, người đại diện Mobifone từ chối công bố giá trị mua AVG với lý do 2 bên thỏa thuận bảo mật là không chính đáng", ông Hải nhấn mạnh.

Văn bản được đăng tải công khai trên website của VAFI này cũng khẳng định: "Mọi hợp đồng kinh doanh, hợp đồng đầu tư phải tuân thủ pháp luật hiện hành, tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Mobifone là doanh nghiệp Nhà nước, không phải doanh nghiệp gia đình hay doanh nghiệp tư nhân, mọi hoạt động của Mobifone cần phải đảm bảo tính minh bạch công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội… Với thương vụ mua AVG, Mobifone phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và công bố công khai các thông tin bất thường".

Phương Dung