"Luật cứ 5 - 7 năm lại thay đổi, doanh nghiệp chịu không nổi"
(Dân trí) - Tại Hội thảo Thách thức thay đổi chính sách với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức sáng nay (7/12) ở Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Môi trường kinh doanh tốt là không phục vụ riêng cho mỗi loại hinh doanh nghiệp (DN) riêng, không hình thành 2 đến 3 khu vực trong nền kinh tế. Cứ 5 - 7 năm Việt Nam thay đổi luật thì họ chịu không nổi, nhiều DN nói "chịu chết".
Bà Lan cho rằng: "Hiện nhiều chính sách của Việt Nam đang thay đổi, trong đó rất nhiều chính sách liên quan đến đầu tư và trực tiếp đến DN. Một môi trường kinh doanh tốt không phải là chỉ phục vụ cho mỗi một loại hình doanh nghiệp như FDI, trong khi đó môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa đứng trước vô cùng khó khăn, gay gắt. Họ phải đứng dưới nhiều thách thức từ cả rủi ro chính sách đến rủi ro thị trường, cạnh tranh xấu".
Do đó, theo bà Lan, các DN cả trong và ngoài nước hiện lo ngại nhiều nhất là thay đổi chính sách. "Luật cứ 5 - 7 năm lại thay đổi, doanh nghiệp chịu không nổi, chịu chết. Các chính sách hồi tố DN khiến từ chỗ họ thực hiện đúng đến thực hiện sai, thiếu dẫn đến truy thu, hồi tố. Điều cần làm của chúng ta hiện nay là đưa ra chính sách, luật chắn chắc, có tính dài hạn, bổ sung sửa đổi hạn chế thôi", bà Lan nói.
Bà Lan đánh giá, hiện việc ban hành các khung chính sách ngày càng tốt hơn, nếu trước đây, chỉ có các Thông tư, Nghị định, Luật điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế, cải cách kinh tế thì hiện nay chúng ta có thêm các Nghị quyết của Trung ương Đảng như về phát triển kinh tế tư nhân, tinh giảm biên chế; cải cách thủ tục hành chính địa phương, bộ ngành...
"Các chính sách này hiện nay thống nhất, đi cùng một "tông", thống nhất về suy nghĩ, ý tưởng, chứ không vênh nhau như trước kia, điều này khiến cho điều hành chính sách tốt hơn, cụ thể và có đánh giá kết quả tốt hơn", bà Lan nói.
Theo bà Lan, hiện Chính phủ Việt Nam ngoài các Chỉ thị, Quyết định còn tiếp tục duy trì Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải cách bộ máy, cải cách khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nay đến năm 2030. Điều đó có nghĩa là Chính phủ đang đi bước đi dài hơn về cải cách, rút bớt các điều kiện, rào cản kinh doanh chứ không giật cục, chạy theo giải quyết vấn đề trong hàng năm.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Nghị quyết 19, năm 2014 là 50 giải pháp nhưng chưa thực hiện được, có cái báo cáo lên trên cũng không địa phương nào làm nổi. Năm 2015, tiếp tục đưa ra 73 giải pháp để cải cách, thực hiện có vẻ tốt hơn với 67% số cải cách được thực hiện. Tuy nhiên, đo đếm bằng gì thì còn nghi ngờ, làm được tận cùng hay không".
Năm 2016 Nghị quyết 19 tiếp tục được ban hành với 83 nhóm giải pháp, tỷ lệ thực hiện vượt 30% so với năm trước nhưng đo lường tính xác thực rất khó. Ngành thuế thuế nói giảm, nhưng phía DN kêu khó khăn, thuế vẫn là gian nan nhất cho DN. Ngành thuế bảo họ làm nhiều nhưng số biên chế ngành thuế vẫn vậy.
Năm 2017, Nghị quyết 19 tiếp tục đưa ra 250 nhóm giải pháp cải cách môi trường kinh doanh, giao từng bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, hiện lực cản chính là bộ máy trong thực thi chính sách. Chinh phủ kiến tạo, Thủ tướng hiện nhấn mạnh về hành động, xác định năm 2017 là năm cải cách, giảm thiểu thủ tục cho DN.
Trên thực tế, chi phí kinh doanh đang tăng cao và có xu hướng tăng: chi phí tuân thủ, dịch vụ hành chính, dịch vụ công, hạ tầng; quá nhiều loại thuế, phí, quỹ và các đóng góp khác nhau; chi phí thời gian lớn; tham nhũng… Nhiều chi phí tăng liên tục, khó dự liệu.
Trong khi đó, chúng ta chưa tạo ra sân chơi bình đẳng, DNNN, một số DN FDI và DN tư nhân thân hữu được biệt đãi (tiếp cận các nguồn lực, quyền kinh doanh, đầu tư công/mua sắm của chính phủ, bảo hộ để né cạnh tranh…). Đa số DNNVV ở vị thế bất lợi, không lớn lên được và dễ bị đào thải.
"Cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động. Vì vậy, tất cả các giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng nhằm tăng hiệu quả kỷ thuật, hiệu quả phân bố và là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế", bà Lan khuyến nghị.
Nguyễn Tuyền