Lãnh đạo tỉnh "đua" dùng xe sang: Phải quản chặt, giao quy chuẩn!
(Dân trí) - Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, nếu áp dụng được cơ chế khoán xe với từng mức khoán phù hợp, tình trạng lợi dụng xe công vào việc riêng sẽ được quản lý và không còn chuyện cấp dưới thì đi xe sang, cấp trên đi xe bình dân như trước.
Trong phiên làm việc ngày 11/11 vừa rồi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao cho Chính phủ trong năm 2016 “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”.
Bên hành lang Quốc hội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) liên quan đến nội dung này.
Khoán xe công: Không có gì không làm được!
Thưa đại biểu, ông đánh giá như thế nào về cơ chế khoán xe công trong bối cảnh hiện nay?
Tôi cho việc khoán xe là cần thiết, các nước trên thế giới đã làm rất nhiều và cũng đã thành công. Nếu Việt Nam thực hiện được cơ chế này thì không những chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí mà Nhà nước cũng sẽ dễ quản lý hơn. Lúc đó không lo tình trạng lợi dụng xe công để phục vụ cho những mục đích cá nhân nữa.
Đồng thời, về nhận khoán cũng sẽ tạo thuận lợi cho bản thân cán bộ khi họ chủ động được phương tiện di chuyển thuận lợi và phù hợp với thực tiễn công tác của mình. Vấn đề đặt ra ở đây là tìm được mức khoán làm sao cho hợp lý nhất.
Ông suy nghĩ như thế nào về việc trên thực tế, có một số vị lãnh đạo cấp tỉnh nhưng lại đi xe sang hàng tỉ đồng, trong khi chi phí bình quân cho mỗi xe công là 923 triệu đồng trong năm 2014?
Trước đây chúng ta chưa quy định một cách đầy đủ, chi tiết và rõ ràng về hàm cấp, tiêu chuẩn được đi xe. Cho nên hiện tại theo tôi cần thiết phải quy định hàm cấp nào thì được đi xe ở đẳng cấp phù hợp.
Đây là đảm bảo sự công bằng, ở cấp cao hơn thì được đi xe đẳng cấp cao hơn, thấp hơn thì đi xe đẳng cấp thấp hơn. Đến lúc phải quy định thật chặt chẽ hơn nữa, nhất là khi chúng ta thực hiện chính sách khoán xe công.
Theo đó, khoán xe công cũng phải dựa trên quy định này để tính ra định mức khoán xe công cho mỗi cán bộ được đi xe. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng cấp dưới lại đi xe sang trong khi cấp trên vẫn đi xe bình dân. Khi đã có chuẩn mực và quy định rõ ràng thì sẽ quản lý được tốt hơn vấn đề này.
Đây là những việc cần thiết phải làm. Tôi hy vọng sẽ thực hiện sớm trong thời gian tới khi chủ trương đã có và chúng ta cũng đang quyết tâm thực hiện.
Nội dung khoán xe công chỉ là một ý khá nhỏ trong Nghị quyết Quốc hội. Vậy để đi từ Nghị quyết của Quốc hội đến thực tiễn đời sống, ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của chủ trương này? Liệu rằng, bây giờ thì quyết liệt nhưng một thời gian tới lại trở nên nhạt nhòa dần?
Tôi nghĩ bây giờ đã khác ngày xưa. Tất cả những văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư, nghị quyết đều quy định rất rõ về trách nhiệm của các Bộ ngành. Khi đã có chủ trương từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thì phải thực hiện một cách nhanh chóng nhất.
Cho nên tôi cho rằng không lo bị chậm trễ mà chúng ta cũng sẽ làm nhanh thôi vì liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan thực hiện. Hơn nữa, vấn đề được đưa ra bàn bạc là cấp thiết, cần phải làm.
Theo tôi thì không khó khăn gì và có thể chủ động làm được. Đã đến lúc các cán bộ phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mình.
Về việc khoán xe công, hiện nay mặc dù chưa thành một quyết định chính thức nhưng nhiều cơ quan tổ chức cũng đã làm rồi. Tôi thấy cũng có rất nhiều cán bộ nhận mức khoán đó, chủ động đi lại và cũng nhận thấy lợi ích không chỉ cho ngân sách mà cho cả bản thân.
Tiếp thu ý kiến đại biểu là ghi nhận nguyện vọng người dân
Ông suy nghĩ sao khi không khí tại Nghị trường rất “nóng” nhưng sau những cuộc tranh luận trên thì nhiều vấn đề vẫn không được giải quyết và tiếp tục được đưa đi đưa lại bàn bạc rất nhiều lần tại các kỳ họp?
Tôi nghĩ trong tình hình khó khăn hiện nay, có nhiều điều mà Quốc hội biết, Chính phủ cũng biết và cũng muốn tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, lực bất tòng tâm, cho nên có những lúc biết rằng có những kiến nghị của nhân dân là phù hợp nhưng giải quyết ngay một lúc thì chưa được.
Tôi lấy ví dụ như việc tăng lương. Với mức lương hiện tại, đời sống của cán bộ công chức viên chức rõ ràng là đang rất khó khăn, cần phải tăng lương cho phù hợp, thỏa đáng.
Thế nhưng trong điều kiện hiện nay còn thiếu thốn. Tăng lương phải có nguồn, nguồn không có thì lấy đâu ra mà tăng lương! Biết tăng lương là cần thiết, nhưng trong điều kiện như vậy cũng chỉ cố gắng ở mức cao nhất là 5% để chia sẻ với nhân dân.
Là một trong những đại biểu thường xuyên có nhiều đóng góp tại các kỳ họp của Quốc hội, ông nhận thấy những ý kiến của mình đã được tiếp thu ra sao?
Quốc hội khóa XIII có rất nhiều đổi mới và các đại biểu cũng tham gia đóng góp rất nhiều. Những ý kiến đóng góp, theo quan sát chúng tôi thấy, đã được Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý.
Ngoài vấn đề xe công như trên thì có những vấn đề “nóng” cũng đã được tranh luận như nợ công, nợ xấu, lãi suất ngân hàng, tình hình kinh tế xã hội. Thậm chí các đại biểu không đủ thời gian để mà phát biểu.
Đại biểu chúng tôi cũng rất hy vọng những ý kiến đóng góp của mình được trân trọng và tiếp thu. Quốc hội cũng tổng hợp lại và dựa trên ý kiến đa số để tiếp thu, chỉnh lý các dự luật. Tất nhiên, nguyện vọng của đại biểu vẫn muốn được tiếp thu đầy đủ hơn nữa, chi tiết hơn.
Nhưng ý kiến của các đại biểu đưa ra là kết quả của một quá trình tiếp xúc, lắng nghe cử tri. Rất nhiều vấn đề phải đi thực tiễn mới hiểu được bức xúc của nhân dân, mới thấy được lòng dân.
Đại biểu chúng tôi đang làm hết sức mình, với trách nhiệm với đất nước, với Quốc hội, với nhân dân và mong muốn của chúng tôi là các ý kiến được nêu cần phải được tiếp thu, chỉnh lý.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (thực hiện)