1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất huy động giảm sâu, gửi tiền ngân hàng nào có lãi cao nhất?

Nhật Quang

(Dân trí) - Tính đến ngày 3/10, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình của hơn 30 ngân hàng ở mức 5,6%/năm. Mức lãi suất niêm yết phổ biến quanh mốc 5,5-6%/năm.

Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 3/10, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với đầu tháng 9 và giảm gần 3% so với đầu năm.

Lãi suất cao nhất trong khoảng 6-6,5%

Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy, hầu hết nhà băng đều niêm yết mức lãi suất quanh mốc 5,5-6%/năm. Khảo sát ghi nhận 10 đơn vị có mức lãi trên 6%/năm.

Mức lãi được niêm yết cao nhất là 6,55%/năm và thấp nhất là 4,2%/năm. Trong đó, DongABank hiện là ngân hàng trả lãi cao nhất với mức 6,55%/năm. Theo sau là BaoVietBank với 6,3%/năm, NCB (6,25%/năm), CBBank và VietABank cùng trả mức lãi 6,2%/năm, HDBank là 6,1%/năm.

Các đơn vị khác có mức lãi trong khoảng 5,8-6%/năm gồm Sacombank, LPBank, SCB, SHB, BVBank...

Lãi suất huy động giảm sâu, gửi tiền ngân hàng nào có lãi cao nhất? - 1

15 ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất tính đến đầu tháng 10. (Nguồn: phóng viên tổng hợp)

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank ngày 3/10 cũng vừa tiếp tục hạ 0,2 điểm % lãi suất ở một số kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 3 tháng giảm về 3,3%/năm, 6 tháng và 9 tháng còn 4,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5,3%/năm.

Agribank, BIDV, và VietinBank hiện duy trì mức lãi kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm, 3 tháng là 3,5%/năm, 6 tháng và 9 tháng ở mức 4,5%/năm, 12 tháng là 5,5%/năm.

Nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất gồm ABBank (4,2%/năm), GPBank và MSB (5,1%/năm), Techcombank (5,2%/năm), SeABank, ACB (5,3%/năm)...

Nhiều ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất ưu đãi

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một số đơn vị vẫn đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6,7-11%/năm với điều kiện đi kèm như gửi khoản tiền gửi lớn, gửi kỳ hạn dài, tài khoản mở mới...

Nhiều tháng qua, PVcomBank áp dụng mức lãi suất 11%/năm với khoản tiền trên 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 12 và 13 tháng. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này hiện áp dụng lãi suất 6%/năm. Lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay. 

Tại MSB, sổ tiết kiệm mở mới từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 5,1%/năm.

Cùng với khoản tiền gửi lớn, HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8,4%/năm kỳ hạn 12 tháng, 8,9%/năm kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 300 tỷ đồng. 

Tại DongABank, khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên được áp dụng mức lãi suất là 8%/năm. Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được cộng thêm ưu đãi 0,45%, tương đương mức lãi 7%/năm.

Lãi suất đã về vùng đáy so với thời điểm Covid-19

Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi duy trì đã duy trì đà giảm trong tháng 9 và giảm về gần đáy của giai đoạn Covid-19 (giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022).

Lãi suất huy động giảm sâu, gửi tiền ngân hàng nào có lãi cao nhất? - 2

Mặt bằng lãi suất tiền gửi từ nửa cuối 2019 đến tháng 9/2023. (Nguồn: VNDirect)

Công ty chứng khoán này kỳ vọng từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì ở vùng bình quân 5,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Đồng thời, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm nhờ việc chi phí vốn của các ngân hàng giảm nhanh trong thời gian qua.

Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của ngân hàng UOB đánh giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất điều hành.

Mặc dù, UOB vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,5%), nhưng thời gian thực hiện có thể là quý IV. UOB cho rằng quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi cơ quan quản lý tiền tệ phải xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.