1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất tiết kiệm, bên nào giảm mạnh nhất?

Thảo Thu

(Dân trí) - Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có khoảng 21 ngân hàng giảm lãi suất. Trong đó, 2 ngân hàng "big 4" đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,5%/năm, thấp nhất thị trường.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi online tại Agribank trong biểu lãi suất mới thấp nhất là 3,4%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, 3,85%/năm cho kỳ hạn 3-5 tháng. Với kỳ hạn 12-13 tháng, 18, 24 tháng, lãi suất còn 5,5%/năm. Mức giảm phổ biến là 0,2 đến 0,3 điểm %. 

Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất tiết kiệm, bên nào giảm mạnh nhất? - 1

Agribank hạ lãi suất tiết kiệm về 5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tương tự, lãi suất huy động tại Vietcombank cũng giảm, có kỳ hạn giảm 0,5 điểm % tại Vietcombank với tiền gửi online, với mức 5,5%/năm cho kỳ hạn 12-24 tháng. 

Nếu như đầu năm, khoản tiền gửi 1 tỷ đồng cho kỳ hạn 12 tháng, khách được trả lãi khoảng 74 triệu đồng, nay mức lãi chỉ còn 55 triệu đồng.

Còn biểu lãi suất tại quầy của 2 ngân hàng lớn này tính đến ngày 14/9 tương tự nhau. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm %, về 3,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2 điểm %, về 4,5%/năm. Khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tức giảm 0,3 điểm %.

*Biểu lãi suất tiền gửi (đơn vị: %/năm)

 Ngân hàng 1 tháng 6 tháng 12 tháng 18 tháng
 BIDV 3,3 4,9 5,8 5,8
 Agribank 3,4 4,7 5,5 5,5
VietinBank  3,2 4,7 5,8 5,8
 Vietcombank 4,5  5,5 5,5

Ở nhóm ngân hàng top dưới, PVcomBank cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng, còn 6,4%/năm, giảm 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn 12-15 tháng, còn 6,5%/năm, kỳ hạn 18-36 tháng giảm 0,1 điểm %, còn 6,8%/năm.

Hay BaoViet Bank giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 6-36 tháng. Theo biểu lãi suất huy động online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 6,1%/năm, kỳ hạn 7-8 tháng là 6,15%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 6,3%/năm, kỳ hạn 10-11 tháng là 6,2%/năm, và kỳ hạn từ 12-36 tháng là 6,5%/năm.

Từ đầu tháng 9 đến nay đã có khoảng 20 ngân hàng giảm lãi suất gồm Eximbank, Bac A Bank, PG Bank, Saigonbank, MB, OCB, Sacombank, SHB, GPBank, Techcombank, ACB, Nam A Bank, KienlongBank, TPBank, CBBank, MSB, VietABank, BaoViet Bank, PVcomBank, Agribank, Vietcombank…

*Biểu lãi suất tiền gửi (đơn vị: %/năm)

 Ngân hàng1 tháng6 tháng12 tháng18 tháng
NCB 4,754,756,96,8
VietBank4,756,66,76,6
HDBank4,754,756,66,8
PVComBank4,256,46,56,8
DongA Bank4,56,356,76,9
SCB4,756,356,456,35
CBBank4,26,36,66,7
VIETABANK 4,66,36,56,6
LBank 4,356,36,56,8
BVBank4,46,256,556,55

So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước. Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm cũng 4 lần hạ lãi suất điều hành, phần nào khiến mặt bằng lãi suất giảm sâu như hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thống kê trước đó của nhà điều hành tiền tệ cho thấy, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Nhưng sang đến tháng 7 và đầu tháng 8, tăng trưởng tín dụng chậm lại. Đến ngày 3/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,29% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14-15%.

Lãi suất cho vay trên thị trường cũng giảm nhiệt theo lãi tiền gửi. Các ngân hàng tung nhiều gói vay ưu đãi lãi suất 6-7%/năm trong thời gian đầu. Đặc biệt nhiều ngân hàng vào cuộc cho khách vay tiền để trả nợ ngân hàng khác sau khi Thông tư 06 có hiệu lực như BIDV, VietinBank, Vietcombank…

Còn với lãi suất thả nổi (khoản vay cũ), cá nhân vay thế chấp tại các ngân hàng quốc doanh chịu lãi suất dao động khoảng 10-11%/năm, còn tại nhóm tư nhân là khoảng 12-13%/năm.