1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh tế khó khăn, giới trẻ Hàn Quốc đổ xô cầm đồ hàng công nghệ

(Dân trí) - Là những người đam mê hàng công nghệ, giới trẻ Hàn Quốc đang phải dần từ bỏ thú vui tốn kém này do kinh tế khó khăn. Thay vì chạy đua mua những món đồ mới, giờ ngày càng nhiều người tìm đến các tiệm cầm đồ để ký gửi những món hàng đã mua.

Theo thống kê của Viện phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc, năm 2012, tỷ lệ người dân nước này sở hữu điện thoại thông minh đã lần đầu vượt mức 60%, cao hơn gấp đôi năm trước đó. Trong năm 2011 số người sở hữu từ 2 thiết bị kỹ thuật số trở lên cũng đạt tới 54,5%, tăng mạnh so với mức 31,3% của năm 2010. 
Các tiệm cầm đồ như của Kim Moo-hyun đang làm ăn phát đạt
Các tiệm cầm đồ như của Kim Moo-hyun đang làm ăn phát đạt

Những con số trên đã phần nào cho thấy sự ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của người dân nước này. Tuy nhiên, xu hướng này dường như đang phải thay đổi khi tình hình kinh tế đang ngày một trở nên khó khăn hơn. Thay vì chạy đua mua những món đồ mới, giờ ngày càng nhiều người Hàn Quốc tìm đến các tiệm cầm đồ để ký gửi những món hàng đã mua để có thêm một khoản tiền nhỏ phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Kim Moo-hyun, 42 tuổi, chủ của một trong số 15 tiệm cầm đồ hàng công nghệ tại Seoul cho biết những ngày gần đây, cửa tiệm của anh ở quận Nowon, phía Đông Bắc Seoul đã chất đầy với hàng loạt sản phẩm công nghệ đình đám như điện thoại Sam Sung Galaxy, iPhone và iPad. Ngoài ra còn rất nhiều máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, màn hình máy tính…

Từng là một nhà môi giới bất động sản, Kim đã nắm lấy cơ hội kinh doanh giữa thời khủng hoảng sau khi nghe được một đoạn đối thoại của những người đi trên tàu điện ngầm. “Một chàng trai nói với bạn cậu ta rằng đang không biết phải vay 200.000 won (khoảng 184 USD) ở đâu”, Kim thuật lại. “Điều nực cười đó là trên tay cậu ta là một chiếc iPhone và iPad đời mới nhất, những thứ rất đắt đó. Tôi nghĩ đây có thể là cơ hội kinh doanh”. 

Vậy là sẵn có kinh nghiệm làm việc thời vụ tại một số tiệm cầm đồ hàng xa xỉ ở quận Gangnam, Kim tham dự một khóa đào tạo kéo dài một tuần tại Hiệp hội cho vay tiêu dùng và được cấp phép mở tiệm cầm đồ. 

Những cửa tiệm nhận ký gửi hàng công nghệ như của Kim thường cho vay 50 – 70% giá thị trường của món đồ được cầm cố với mức lãi suất 3%/tháng, hoặc 36%/năm. Để được vay tiền, khách hàng chỉ việc đem món đồ đến, khai báo một vài thông tin cá nhân. Chủ tiệm sẽ kiểm tra món đồ trước khi hai bên ký hợp đồng. Trong vòng 10 phút họ có thể nhận tiền ra về.

“Rất nhiều trong số các khách hàng của chúng tôi chỉ muốn vay một món tiền nhỏ nhưng không muốn phải làm nhiều thủ tục vay vốn rắc rối tại ngân hàng”, Lee Soon-sung, chủ một tiệm cầm đồ hàng công nghệ gần đại học Konkuk ở Seoul chia sẻ. Hầu hết các món vay chỉ từ 200.000 – 1000.000 won. Các loại máy tính cao cấp có thể được cầm cố với giá cao hơn. 

Do số tiền vay được khá nhỏ, nên chủ nhân các món đồ cũng không thể làm gì nhiều với chúng. “Tôi không hỏi vì sao họ đến vay tiền. Việc đó có vẻ thô lỗ. Nhưng tôi biết một số người dùng tiền để mua quà cho bạn gái hoặc đi du lịch”, Lee tiết lộ. 

Với một số người khác, họ buộc phải cầm đồ để có chi phí sinh hoạt. “Tôi tới cầm đồ để có tiền thanh toán các hóa đơn”, một chàng trai 30 tuổi đề nghị chỉ tiết lộ họ là Lim chia sẻ. “Giao dịch ở đây tiện lợi hơn ngân hàng và cũng kín đáo hơn. Tôi đã tới đây vài lần”, Lim nói tiếp trong khi đưa chiếc điện thoại Galaxy S2 cho chủ tiệm.

Để thay đổi hình ảnh vốn “xấu xí” của các tiệm cầm đồ truyền thống, chủ tiệm cầm đồ hàng công nghệ đã tìm cách trang trí thêm cho cửa hàng của mình và cung cấp cả dịch vụ tư vấn riêng qua điện thoại. 

“Mọi người vẫn luôn coi các tiệm cầm đồ là nơi tối tăm và u ám. Do đó chúng tôi đã cố gắng tạo ra một bầu không khí thân thiện hơn”, Lee cho biết. Dù vậy, vẫn có không ít người cảm thấy ngại khi bị trông thấy bước vào tiệm cầm đồ. 

“Ban đầu tôi định mở tiệm ở tầng trệt để có nhiều khách hơn. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng ngay cả với những người mạnh dạn trong việc vay tiền, việc tới tiệm cầm đồ với họ vẫn có vẻ là điều cấm kỵ”, Kim cho biết. Cuối cùng anh đã mở cửa hàng tận trên tầng 8. 

Theo nhà cựu môi giới bất động sản này, các tiệm cầm đồ hàng công nghệ sẽ còn tiếp tục phát đạt trong thời gian tới. “Những người trẻ tuổi sợ phải xin người khác giúp đỡ. Có vẻ rằng mọi người sẽ tiếp tục tới để vay các khoản tiền nhỏ bởi ngày càng nhiều người sở hữu nhiều hơn một thiết bị kỹ thuật số”.

Thanh Tùng
Theo Yonhap