1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Không còn chuyện ngân hàng lãi lớn từ sau năm 2008”

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc nhiều ngân hàng lãi lớn trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, Thống đốc NHNN cho biết: “Cũng có thể có việc đó trong quá khứ nhưng từ năm 2008 đến nay, đặc biệt từ 2010 thì thực tế đó không còn”.

Thống đốc:
Thống đốc: Mặt bằng lãi suất như hiện nay là hợp lý.


Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc ngân hàng công bố lãi lớn, lãi nhiều, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thực tế này không còn tồn tại ở nhiều ngân hàng trong những năm gần đây. Thống đốc nói: “Cũng có thể có việc đó trong quá khứ nhưng từ năm 2008 đến nay, đặc biệt từ 2010 thì thực tế đó không còn”.

Theo bài toán mà Thống đốc đưa ra thì, lãi suất huy động ngắn hạn ở mức 9%/năm, tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay ra 13%/năm mới hòa vốn. Vì cứ 100 đồng huy động được, 3 đồng phải trích dự trữ bắt buộc, 10 đồng dự phòng rủi ro, 0,75 đồng để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung. Và nếu tỷ lệ nợ xấu theo đúng tổ chức tín dụng báo cáo là 4,47% thì phải bỏ ra thêm khoảng 2,36 đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm các khoản chi phí đi thuê, chi phí điều hành của ngân hàng..., các khoản này mất khoảng 1 - 1,5%.

“Nếu cộng tất cả các khoản thì chi phí huy động của ngân hàng thực tế lên tới 14 - 14,5%, với lãi suất 15% thì tổ chức tín dụng cơ bản mới chỉ hòa”, Thống đốc nói. Đây cũng chính là câu trả lời cho việc vì sao NHNN chưua thể kêu gọi các ngân hàng thành viên đưa lãi suất cho vay về mức 13%/năm như kỳ vọng.

Thống đốc dẫn chứng ở Trung Quốc, họ quy định trần lãi suất huy động và sàn lãi suất cho vay nên đảm bảo cho hệ thống ngân hàng có lãi nhất định. Đây cũng là căn cứ để ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Còn ở nước ra, thực tế chênh lệch lãi suất rất thấp nên ngân hàng thương mại phải lách, nhằm đưa nhóm nợ cao về nhóm nợ thấp để đỡ trích lập rủi ro.

Nói về mặt bằng lãi suất cho vay 15%/năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay: Đây chỉ là lời kêu gọi của NHNN với các TCTD chứ không phải là một quyết định hành chính, vì các hợp đồng tín dụng cũ đã ký trước đây là các hợp đồng kinh tế. NHNN có ra một quyết định hành chính thì cũng không có giá trị hồi tố đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây. Do đó, NHNN không thể buộc các TCTD đưa các khoản nợ cũ về mức 15% trở xuống.

Trên thực tế, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất. Trước ngày 15/7, tỷ lệ các khoản vay có lãi suất cao hơn 15% chiếm tới 65% tổng dư nợ tín dụng; đến 3/8, số này chỉ còn 30% (tức giảm một nửa) và đến 16/8, con số này còn 24%.

“Với một lời hiệu triệu của NHNN mà các TCTD thực hiện được như vậy thì đã là một thành công. Còn tại sao không đưa lãi suất cho vay xuống 13%/năm? Chúng ta rất mong muốn doanh nghiệp tiếp cận được vốn thấp nhưng cần phải làm cho TCTD thực hiện được”, Thống đốc Bình chia sẻ.

Mặt bằng lãi suất như hiện nay là hợp lý

Trao đổi về khẳ năng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND thời gian tới, Thống đốc NHNN cho rằng, sau khi đưa trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 14%/năm xuống xuống 9%/năm hiện nay, việc điều chỉnh giảm lãi suất xuống tiếp sẽ phải xem xét, tính toán cẩn trọng. Nhiều tổ chức nước ngoài cũng khuyến cáo Việt Nam, nếu hạ lãi suất quá nhanh có thể dẫn tới lạm phát quay trở lại.

Bởi, “điều hành lãi suất cũng phải đảm bảo kiềm chế lạm phát. Nếu không đảm bảo lãi suất hợp lý thì không thể thu hút người gửi tiền, vị thế của đồng Việt Nam sẽ mất đi, người gửi tiền quay sang vàng và ngoại tệ và lại xảy ra tình trạng đô la hóa".

Cũng theo thông tin từ Thống đốc, hiện tại Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 9%,/năm, còn trần lãi suất huy động trung và dài hạn đã bỏ. Do đó, trên thị trường đã hình thành mặt bằng lãi suất trung và dài hạn khoảng 10 - 12%/năm.

"Điều này là rất tốt bởi trước đây 100% vốn huy động là ngắn hạn trong khi dư nợ có đến 40% là trung và dài hạn khiến các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối vốn. NHNN đánh giá, mặt bằng thỏa thuận lãi suất huy động trung và dài hạn 10 - 12%/năm như hiện nay là hợp lý", Thống đốc nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền