1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng lãi ngàn tỉ là cao hay thấp?

Nhiều ngày qua câu chuyện lợi nhuận của các ngân hàng (NH) lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tín dụng

 

Trong quý 2, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.590 tỷ đồng, nâng lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm lên 3.619,4 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong quý 2 theo công bố cũng lên tới 1.254,7 tỷ đồng, và tổng lợi nhuận trong nửa năm nay cũng đạt hơn 3.000 tỷ đồng tăng gần 8,2% so với cùng kỳ 2010.
 
Ngân hàng lãi ngàn tỉ là cao hay thấp?  - 1
Lãi của khối ngân hàng vượt trội so với khối DN sản xuất

 

Lợi nhuận lũy kế của Eximbank trong 6 tháng đầu năm đạt 1.690 tỷ đồng. Sacombank lũy kế 6 tháng năm 2011 đạt 1.490,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

 

Một số NH khiêm tốn hơn với con số lợi nhuận như NH Đông Á đạt tổng lợi nhuận trước thuế sáu tháng là 676 tỷ đồng. Navibank lũy kế sáu tháng đầu năm 2011 đạt lợi nhuận 127,56 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2010.  NH Đại Á sáu tháng đầu năm 2011 cũng đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng…

 

Các NH cũng cho biết, lợi nhuận chủ yếu là từ hoạt động tín dụng gồm cho vay trực tiếp và cho vay trên thị trường liên NH.

 

Sau khi bức tranh lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của khối các NH lộ diện, nhiều ý kiến cho rằng, khối NH vẫn đạt lợi nhuận rất cao trong khi các DN thì ngược lại. Và theo các DN nếu không xem xét lại việc giảm lãi suất và cho vay thì sản xuất ngưng trệ ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây bất ổn xã hội.

 

Cái lý của ngân hàng

 

Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP giải thích nếu nhìn vào số tuyệt đối về lợi nhuận mà các NH công bố là vài nghìn tỷ thì tưởng là các NH lãi cao, nhưng nếu so lợi nhuận trên số vốn chủ sở hữu của các ngân hàng là vài chục ngàn tỉ đồng thì tỷ lệ trung bình khối ngân hàng chỉ vào khoảng 1,5%.

 

Vị lãnh đạo này cũng nêu quan điểm rằng bản thân các NH cũng là một DN, công việc kinh doanh có hiệu quả hay không họ đều phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông. Do đó, áp lực lợi nhuận cũng rất lớn và là chuyện tất yếu.

 

Cũng cùng quan điểm này, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Tiền tệ Quốc gia trao đổi với báo chí bên lề một cuộc hội thảo cho rằng hiện nay tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của NH (ROA) chỉ khoảng 1%, còn lợi nhuận tính trên vốn tự có của NH chỉ khoảng 10-11% (tỷ lệ ROE).

 

Tỷ lệ ROE năm nay đã giảm rất nhiều so với năm 2009 và 2010 với mức khoảng 14-15%, nguyên nhân là do nợ xấu tăng, khách hàng không hoàn trả vốn. Tỷ lệ này cũng thấp hơn mức khoảng 14-15% của các NH trong khu vực Đông Nam Á và mức 17% của NH trên toàn thế giới.

 

Ông Nghĩa phân tích, nếu như việc huy động vốn của các NHTM đúng như trần quy định của NHNN là 14%/năm, sau đó lại cho vay 22-23%/năm thì lãi rất lớn. Tuy nhiên thực tế các NH huy động với lãi suất bình quân khoảng 17%/năm và cho vay ra bình quân 20%/năm. Tỷ lệ chênh lệch 3% cũng thấp hơn tỷ lệ ở các quốc gia khác, ví dụ như Malaysia thì chênh lệch lãi suất này khoảng 4,5-5%/năm.

 

So sánh lợi nhuận của khối NH với lợi nhuận bình quân của hơn 500 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán không có chênh lệch nhiều, thậm chí tỷ lệ của các NH còn thấp hơn. Lợi nhuận bình quân của các DN niêm yết khoảng 11% còn của các NH chỉ 10,5%.

Do đó, về việc liên quan tới chính sách điều hành, ông Nghĩa cho rằng thị trường sẽ tự chia sẻ lợi nhuận giữa NH và DN chứ không thể có biện pháp hành chính nào can thiệp được điều đó.

 

Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đồng ý rằng không thể căn cứ vào con số tuyệt đối mà phải tính toán tỷ lệ sinh lời trên số vốn tự để đánh giá con số thực chất con số lợi nhuận của các NH.

 

Tuy nhiên ông Kiêm cũng cho biết, thực tế tỷ suất lợi nhuận trung bình của các DN chỉ vào khoảng 20%. Trong khi lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh trung bình hiện nay vào khoảng 18%, thậm chí cao hơn. Do vậy, cần có những quy định rõ ràng để kiểm soát lãi suất huy động và cho vay, sao cho lãi suất đầu vào vừa phải thì mới có đầu ra hợp lý được, nhằm dung hòa lợi ích của NH và DN.

 

Theo Ngọc Tuyên

Lao Động