Hé lộ khả năng PV Power sẽ “nhảy vào” Nhiệt điện Thái Bình 2

(Dân trí) - PVN đang đầu tư vào Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và sẽ xem xét chọn PV Power thực hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng dài hạn nhà máy này – một lãnh đạo của PVN cho biết.

“Đối với các dự án nhiệt điện hiện tại mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đầu tư như Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1, với kinh nghiệm quản lý, vận hành, sửa chữa… các nhà máy điện của PV Power hơn 10 năm qua, PVN sẽ xem xét chọn PV Power thực hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng dài hạn các nhà máy này với sự hỗ trợ tối đa từ phía tập đoàn. Và khi tiến tới cổ phần hóa các nhà máy điện thì cũng sẽ có các ưu tiên để PV Power tham gia tích cực với khả năng của mình”.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được ông Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV PVN, Trưởng ban chỉ đạo Cổ phần hóa Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nêu ra tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần PV Power diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (ảnh: Tiền Phong).
Công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (ảnh: Tiền Phong).

Như vậy, hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 không nằm trong danh mục đầu tư của PV Power mà thuộc PVN, tuy nhiên, trong tương lai, PV Power nhiều khả năng tham gia vào dự án này. Trước đó, PV Power từng được PVN giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào năm 2008, song đến năm 2012 thì PVN thu lại quyền chủ đầu tư.

Hiện tiến độ của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt khoảng 81,26%, trong đó thi công xây dựng nhà máy chính cơ bản đáp ứng so với tiến độ và việc thi công lắp đặt các hạng mục nhà máy chính cơ bản hoàn thành 95-99%. Dự kiến trong năm 2019 sẽ chạy thử và đưa vào vận hành tổ máy số 1.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, đối với các nhà máy điện khí, về mặt lâu dài và với vai trò là đại diện chủ đầu tư duy nhất và trong tương lai, PVN vẫn là cổ đông lớn nhất của PV Power, PVN sẽ tạo điều kiện để PV Power tham gia tối đa trong điều kiện cho phép.

Bên cạnh đó, trong phương án cổ phần hóa của PVN, sau khi cổ phần hoá, PVN sẽ giữ 51% cổ phần PV Power tối đa đến năm 2025.

Nhưng trong trường hợp những khoản vay mà PVN và PV Power tái cơ cấu lại được, trả nợ sớm hơn thì PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ ở PV Power ngay tại thời điểm tái cơ cấu được khoản vay, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược mở rộng tỷ lệ tham gia của mình.

Trong năm 2017, PV Power ước tính, doanh thu đạt khoảng 30.987 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.503 tỷ đồng, bằng 183% kế hoạch. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PV Power cũng được ước tính cả năm 2017 đạt vào khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của PV Power sau cổ phần hóa được xác định là trên 23.418 tỷ đồng.

Cổ phần bán đấu giá công khai hơn 468 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 676 triệu cổ phần, tương đương gần 29% vốn điều lệ. Giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần và được bán theo phương thức đấu giá công khai tại HNX.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 căn cứ hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC, để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh mới đây, đại diện PVN cho biết, tính đến ngày 13/9/2016, PVC đã thu được hơn 1.240 tỷ đồng tiền tạm ứng đã chi. Con số này lớn hơn con số 1.115 tỷ đồng chi sai mục đích. Đến nay, số tiền thu được còn lớn hơn con số 1.240 tỷ đồng tại thời điểm tháng 9/2016.

Bích Diệp

Hé lộ khả năng PV Power sẽ “nhảy vào” Nhiệt điện Thái Bình 2 - 2