1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hàng giả đang được tuồn mạnh lên Facebook!

(Dân trí) - Theo Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook thông qua việc lập các fanpage bán hàng, trang facebook cá nhân để bán hàng...

Phát biểu tại Hội nghị Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp vừa được tổ chức sáng nay 25/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương khẳng định: Hàng giả, hàng lậu và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một tinh vi, xảo quyệt. Hàng giả không chỉ có yếu tố nước ngoài mà còn có sự tiếp tay của thương nhân và một số cơ quan chức năng. Đặc biệt, đường đi của hàng giả đang được internet hóa với việc chào hàng trên mạng xã hội ngày một nhiều.

Theo ông Tín, “không chỉ tinh vi về vận chuyển mà các đối tượng làm hàng giả rất xảo quyệt trong sản xuất và lập đường dây hàng giả xuyên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng sản xuất, bán hàng giả ở một nơi, gia công tem, gia công các phân đoạn sản phẩm ở một nơi khác nên gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng chuyên ngành".

Đặc biệt, theo ông Tín các đối tượng nước ngoài không chỉ đẩy mạnh việc làm giả nhãn hiệu, thương hiệu của các hãng uy tín trên thế giới mà còn cả các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Hàng giả đang ở mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và mọi sản phẩm, từ may mặc, hàng hiệu nước hoa, mỹ phẩm đến thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng và hàng điện tử. Tuyến biên giới phía bắc là nơi tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp nhất.

Hàng giả ở tuyến biên giới đang mở rộng về đồng bằng, trà trộn vào các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp, làng nghề, vùng quê gây khó khăn trong việc quản lý. Có tình trạng móc nối giữa thương nhân trong nước với người nước ngoài tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu.

Đặc biệt theo ông Tín, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook thông qua việc lập các fanpage bán hàng, trang facebook cá nhân để bán hàng...


Một chiêu lừa phổ biến thường gặp khi mua hàng qua mạng.

Một chiêu lừa phổ biến thường gặp khi mua hàng qua mạng.

Đại diện Cục cảnh sát Kinh tế C46 Bộ Công An, đơn vị trực tiếp tham gia bắt giữ các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả cho rằng: Hiện nay cứ 7 vụ phát hiện vi phạm hàng lậu, hàng giả mới khởi tố hình sự được 1 vụ, còn lại 6 vụ khác chuyển xử lý xử phạt hành chính. Theo đơn vị này, trong chống hàng giả, Việt Nam đang vướng như "gà mắc tóc" vì quá nhiều luật và lực lượng tham gia.

"Chúng ta có đủ các chính sách, đủ các lực lượng nhưng cơ chế xử lý và chế tài yếu và thiếu. Chính sách chồng chéo khiến phải viện dẫn nhiều luật mới xử lý được vi phạm. Đáng nói, mối liên hệ giữa các cơ quan hiện nay rất yếu vì bộ nào cũng muốn giữ bí mật để điều tra vì rất nhiều thông tin khi cơ quan công an thông tin đến các lực lượng chức năng khác để triển khai lệnh bắt giữ thì chưa được 5 phút, đối tượng đã biết và tẩu tán tài sản. Như vậy, trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê”, Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công An nói.

Theo đánh giá của các đơn vị trong phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, ngoài việc phối hợp yếu, thiếu nhất quán, vấn đề hạn chế nhất là chính tư duy các doanh nghiệp (DN) sợ hàng giả ảnh hưởng đến doanh thu của mình.

"Có DN chúng tôi báo có hàng giả dịp gần Tết nhưng lại xin chúng tôi đừng để tên sản phẩm của họ. DN chấp nhận sống chung với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì trước mắt là người tiêu dùng chịu thiệt, sau đó là họ chịu ảnh hưởng. Đã tuyến chiến với hàng giả, phải mạnh tay, không thể vì lợi ích của DN để làm đất sống cho đối tượng làm giả được", một đại diện của Ban chỉ đạo 389 cho biết.

Theo Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, trong thời gian tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường địa phương kiểm tra các fanpage, các cá nhân buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội facebook bởi đây là một trong những đường dây tiêu thụ hàng giả công khai.

Đặc biệt, các đối tượng bán hàng giả qua mạng chủ yếu là hàng thuốc tân dược xách tay, thực phẩm chức năng xách tay có yếu tố nước ngoài nhưng bị làm giả tem, mẫu mã và vỏ bao bì. Các trang web bán hàng trực tuyến, đặc biệt là hàng về điện tử, công nghệ cũng nằm trong đối tượng rà soát và kiểm soát về chất lượng hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo một DN trong lĩnh vực dệt may, hiện hàng giả đang chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là tại các chợ, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ về hàng dệt may, giày dép, mũi - túi xách. Lực lượng quản lý thị trường các địa phương chỉ rà soát thủ tục hành chính, trong khi hóa đơn, nhãn hiệu không xử lý triệt để khiến gian lận trong lĩnh vực này gia tăng.

Nguyễn Tuyền

Hàng giả đang được tuồn mạnh lên Facebook! - 2