Hai năm tái cơ cấu kinh tế: Ba chân bước chưa đều!

(Dân trí) - Sáng nay, Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sau 2 năm triển khai (2012 - 2014) với ba trọng tâm chính: doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công.

Các đại biểu đều nhất trí với nhận định: nền kinh tế bước đầu đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là ngành ngân hàng được đánh giá là “điểm sáng” trong ba trọng tâm tái cơ cấu nêu trên.

Tuy nhiên đánh giá về mặt hạn chế, nhiều đại biểu cho rằng, kết quả trông thấy của quá trình tái cơ cấu mới chỉ sáng tỏ ở hệ thống ngân hàng, còn Đầu tư công và Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện đang rất chậm chạp. Cụ thể, lãi suất đã ổn định, nợ xấu đã được quản lý và có hướng xử lý; NHNN đã phòng tránh tốt nguy cơ đổ vỡ hệ thống bằng biện pháp cho phép các ngân hàng mạnh mua bán lại và sáp nhập các ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh khoản.v.v…

UBTV Quốc hội nghe báo cáo Giám sát của các Ủy ban của Quốc hội
UBTV Quốc hội nghe báo cáo Giám sát của các Ủy ban của Quốc hội
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Nhận là em Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn để lừa đảo hơn 100 tỷ đồng
* Thái Nguyên “quán quân” về tăng trưởng sử dụng lao động
* Chính phủ thông qua "siêu dự án" 8 tỷ USD sân bay Long Thành
* Chính thức đề xuất tên kép cho siêu cầu dây văng Nhật Tân
* Gặp rắc rối vì trót bán căn hộ xây thô
* Nhật Bản xét xử vụ hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam

Tuy nhiên, những mặt chưa được của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng được chỉ rõ, trong đó nhiều ý kiến nhấn mạnh đến hiệu ứng của tái cơ cấu chưa đến với nâng cao chất lượng lao động, việc làm.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: “Nhiều thông số cho thấy tái cơ cấu đang đạt kết quả tốt, nhưng 3 năm nay, nền kinh tế chưa thực hiện được mục tiêu mỗi năm giải quyết được 1,6 triệu lao động. Năng suất lao động, khả năng sáng tạo của lao động Việt Nam vẫn bị đánh giá, được đánh giá và phải đánh giá là còn rất yếu kém so với nhiều nước trong khu vực”.

Phó Chủ tịch Quốc Hội nhận định, hiệu quả tái cơ cấu mới chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mới chỉ ở phần cứng, chưa liên kết với sự đổi mới, chuyển biến chất lượng lao động, việc làm và công tác đào tạo. Đào tạo việc làm vẫn chưa đổi mới theo kịp với yêu cầu hội nhập và cải cách nền kinh tế. Nếu kéo dài sẽ làm giảm hiệu quả của tái cơ cấu, bởi cải thiện chất lượng nhân lực mới là yêu cầu của quá trình đổi mới thể chế và hội nhập nền kinh tế quốc tế hóa.

Về việc tái cơ cấu các DNNN đang chậm chễ và kéo theo mất cân đối của các lĩnh vực khác. Nhiều đại biểu cho rằng: cần phải ban hành cụ thể những quy định, chế tài đối với người đứng đầu DNNN chậm hoặc không tuân thủ kế hoạch tái cơ cấu được giao. DNNN hiện chiếm 60 - 70% tài sản quốc gia đáng lẽ phải đi đầu đổi mới mà lại chậm chễ tái cấu trúc gây đình trệ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế? Hiệu quả tái cơ cấu của DNNN chưa thực sự rõ rệt và chưa được ghi nhận ngoài báo cáo của các bộ ngành. Chính vì vậy, theo nhiều đại biểu phải tìm cho ra nguyên nhân, nguồn gốc, đối tượng để xảy ra hiện tượng này.

Giải pháp tháo gỡ, theo đại biểu Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội, là phải gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. “Đã đến lúc chúng ta phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, không thể đổ cho việc chồng chéo quản lý theo kiểu “7 bộ quản lý 1 cái xúc xích”, đổ lỗi “yếu tố lịch sử” và “cơ chế” để chậm thực hiện TCC. Nếu cần, phải cách chức người đứng đầu DNNN để chậm chễ tái cơ cấu và cổ phần hóa thành văn bản luật.”, ông Lý nhấn mạnh.

Băn khoăn về kế hoạch tái cơ cấu của các DNNN trong thời gian tới khi các tập đoàn vẫn chỉ mới ở dạng mô hình thí điểm, đại Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội trăn trở: “Các Tập đoàn kinh tế nhà nước đã thực hiện bao năm rồi nhưng đến nay hành lang pháp lý cho loại hình này mới chỉ dừng lại ở “mô hình thực hiện thí điểm”. Vậy tái cơ cấu sẽ làm gì và chuyển đổi mô hình này như thế nào?. Một trong những xương sống của nền kinh tế mà chưa có hành lang pháp lý thì sắp tới chúng ta tái cơ cấu, đổi mới mô hình ra sao?

Đánh giá tích cực về quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh cải cách thị trường vốn (thị trường chứng khoán) nhằm thu hút nguồn lực cho quá trình phát triển, tránh sự lệ thuộc của nhiều doanh nghiệp vào nguồn vốn ngân hàng như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có kết quả rồi, giờ phải xem tái cơ cấu thị trường vốn đi. Hiện nay, DN Việt Nam đi vay ngân hàng để kinh doanh là chính chứ chưa lấy được tiền từ phát hành cổ phiếu, huy động vốn cổ đông tại sàn chứng khoán. Nếu DN đầu tư ra 3 đồng, thì họ chỉ được vay NH chỉ 1 đồng thôi, chủ DN phải bỏ ra 1 đồng và cổ đông phải bỏ ra 1 đồng, "lời thì ăn, lỗ thì chịu". Nếu cứ đi vay cả 3 đồng ở NHTM như hiện nay thì DN kinh doanh lỗ, thì cuối cùng nợ đó sẽ đổ về NH và phát sinh nợ xấu cho hệ thống”.

Về giải pháp ngăn chặn từ xa nguy cơ nợ xấu trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Phải kiên quyết bắt buộc các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cùng với biện pháp xử lý nợ xấu.
 
“Nợ xấu lớn 1 phần do các ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro. Sắp tới, bên cạnh xử lý nợ xấu theo các phương án đã được duyệt, NHNN phải yêu cầu tất cả các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng và đây là biện pháp đề phòng nợ xấu nếu có trong thời gian tới. Nếu các NHTM không trích lập dự phòng, thì nợ xấu cũ chồng nợ xấu mới sẽ rất nguy hiểm cho hệ thống”.
 
Dân góp tiền để xử lý nợ xấu?
 
Theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: cần có những phân tích cụ thể về nguyên lý hoạt động của công ty mua bán nợ xấu, các vướng mắc của cơ chế và vì sau việc bán nợ xấu mua được của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngoài ra, ông Lý còn nhắc tới kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Hàn Quốc, khi nước này kêu gọi người dân đóng góp tài chính để giải quyết nợ xấu, vì nước này coi đó là trách nhiệm của toàn xã hội. “Chúng ta có nên học tập không?”, ông Lý đặt câu hỏi.

 
Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”