1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo nâng trần nợ lên 2,1 nghìn tỷ USD

(Dân trí) - Với 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nâng trần nợ lên ít nhất là 2.100 tỷ USD và giảm chi tiêu 2.400 tỷ USD, chỉ trước một ngày trước khi thời hạn vỡ nợ xảy ra.

Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo nâng trần nợ lên 2,1 nghìn tỷ USD - 1
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch nâng trần nợ công 14,3 nghìn tỷ USD.
 
Dự luật này sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua trong ngày hôm nay (2/8). Sau đó Tổng thống Barack Obama mới phê chuẩn để ban hành luật. Tới lúc đó, cuộc chiến chống vỡ nợ mới thực sự kết thúc.

“Chúng ta đang đến gần một hạn chót mà tất cả mọi người đều biết: vỡ nợ. Cả hai bên đã tự đẩy nhau vào vòng luẩn quẩn và giờ cả hai bên sẽ phải làm việc với nhau để thoát khỏi nguy cơ trên”, ông Paul Ryan, nghị sỹ Đảng Cộng hòa kiêm Chủ tịch Ủy ban ngân sách Mỹ nói.

Ông gọi là cắt giảm chi tiêu với việc gia tăng trần nợ là "một thay đổi văn hóa lớn" cho Quốc hội.
 

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán trên thế giới đều có phiên giảm điểm bởi nhà đầu tư hoài nghi kế hoạch này khó vượt qua được các thành phần bảo thủ trong cả hai đảng. Mặt khác, lo ngại Mỹ sẽ bị hạ xếp hạng tín nhiệm ngay cả khi đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ, khiến chi phí vay tăng cao, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế vốn đang rất mong manh và suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

 

Giá vàng cũng chững đà giảm khi nhà đầu tư vẫn hướng tới nhu cầu đầu tư an toàn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn.

 

Trước đó, ngày 31/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đã đạt được sự nhất trí về việc giảm thâm hụt ngân sách và tránh đươc tình trạng vỡ nợ của quốc gia này.

 

Theo đó, một kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhưng không tăng thuế sẽ được triển khai trong 10 năm tới. Một ủy ban mới sẽ được thành lập để tìm cách cắt giảm thêm cho tới cuối tháng 11/2011 và tăng mức giới hạn vay của Mỹ cho đến năm 2013.

 

Nhật Anh

Reuters, Bloombergs