1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá tiêu dùng trong nước lại bật tăng

(Dân trí) - Sau 2 tháng hãm tốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước lại tăng 1,17% trong tháng bảy, đẩy mức lạm phát sau 7 tháng lên 14,6% và đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 15 - 17% mà Chính phủ vừa nêu.

So với cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 22,16%, một con số không thể không chú ý.
 
Giá tiêu dùng trong nước lại bật tăng - 1
Giá cả thị trường đang thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 quay đầu tăng chính là khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là giá thực phẩm. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,12%, trong đó riêng giá thực phẩm tăng 3,02%. Ngược lại, giá lương thực lại giảm 0,78% do tháng 7 là "mùa vàng" nông phẩm.

Giá các mặt hàng thịt gia súc, rau xanh tăng mạnh ở khu vực phía Bắc thời gian qua cũng được phản ánh khá rõ trong CPI các địa phương phía Bắc, khi Hà Nội, Hải Phòng đều tăng 1,32%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Ngoài nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,02%, các nhóm hàng còn lại trong rổ hàng hóa đều tăng ở mức khác nhau. Các hoạt động thi tuyển sinh ĐH, CĐ khắp cả nước cũng khiến CPI nhóm giáo dịch nhích tăng 0,26%.

Cũng theo Tổng Cục thống kê, trong tháng 7 chỉ số giá vàng tiếp tục tăng 0,87%, còn USD giảm 0,18%. Các mặt hàng này không được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI. Thực tế, hiện vàng đang ở mốc 39,5 triệu đồng/lượng, còn tỷ giá USD ngày 23/7 là 20.610 đồng/1 USD.

Trước đó, trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ  do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (người vừa đắc cử Chủ tịch Quốc hội vào chiều nay 23/7) trình bày trước Quốc hội ngày 21/7, mục tiêu trong 6 tháng cuối năm của Chính phủ là kiềm chế lạm phát quanh mốc 15 - 17%. Về con số này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc đạt được là "rất khó khăn".

Hồng Kỹ