1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá lợn rẻ mạt, thức ăn chăn nuôi ngoại vẫn ồ ạt về Việt Nam

(Dân trí) - Trong khi giá thịt lợn trong nước xuống đáy hơn 10 năm trở lại đây, khiến nhiều người chăn nuôi đứng trên bờ vực phá sản thì việc nhập khẩu thức ăn nguyên liệu cho gia súc về Việt Nam ngày càng tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đã tăng trên 10%.

Tổng cục Hải quan cho biết, 3 tháng qua, cả nước đã nhập gần 900 triệu USD thức ăn gia súc; hơn 1,4 triệu tấn ngô, giá trị hơn 300 triệu USD; 137.000 tấn đậu tương, giá trị hơn 61 triệu USD. Tính trung, cả nước đã chi hơn 1,2 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Kim ngạch tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Người chăn nuôi đang phải hứng chịu khủng hoảng: giá bán vật nuôi xuất chuồng giảm chưa từng có, trong khi chi phí thức ăn vẫn tăng cao
Người chăn nuôi đang phải hứng chịu khủng hoảng: giá bán vật nuôi xuất chuồng giảm chưa từng có, trong khi chi phí thức ăn vẫn tăng cao

Giữa lúc giá đầu ra cho lợn thịt - vật nuôi chiếm tỷ trọng lớn của ngành chăn nuôi rớt thê thảm, thì chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao. Nghịch lý này đã và đang ăn mòn lợi nhuận, càng làm khó người chăn nuôi, ngành chăn nuôi vốn đa số là quy mô nhỏ của Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội chăn nuôi, hiện hơn 20% thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý tại Việt Nam phụ thuộc nhập ngoại. Đầu mối nhập thức ăn chăn nuôi lớn nhất từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Brazil..., trong đó nhóm thức ăn chăn nuôi lợn được nhập chủ yếu từ Thái Lan, Mỹ.

Đó là nói về xuất xứ, còn nếu xét về nguyên liệu, theo TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện có 207 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi song phần lớn nhà máy công suất lớn nằm trong tay các DN nước ngoài của Úc, Thái Lan, Mỹ hay Đài Loan. Các doanh nghiệp (DN) này nhập khẩu một khối lượng nguyên liệu từ công ty mẹ để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Theo chủ một cơ sở chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại Hải Dương, giá thức ăn vẫn chịu chi phối lớn của các DN, trong khi đó giá heo thịt trên thị trường bị dìm giá, không xuất được. Chưa bao giờ gặp thảm cảnh như vây, dù đã chăn nuôi hơn 10 năm nay.

Chủ cơ sở này cho hay: Hiện giá mỗi bao cám lợn thịt loại 18kg đến 25 kg có giá từ 260.000 đến 360.000 đồng. Trung bình lợn thương phẩm từ khi nuôi đến xuất chuồng thời gian khoảng 4 - 6 tháng, lượng tiêu thụ sẽ vào khoảng từ 8 - 10 bao. Riêng chi phí thức ăn cho lợn đã từ 2 triệu đồng - 3,6 triệu đồng/con, đó là chưa kể giống, thuốc thú y.

Với giá bán lợn hơi hiện nay từ 27.000 đồng - 30.000 đồng/kg, lợn xuất chuồng tối thiểu 80kg, người chăn nuôi không đủ chi phí thức ăn, với lợn trên 1 tạ, người nông dân chỉ đủ bù chi phí mua thức ăn, còn tiền giống, thuốc thú y và công chăm sóc coi như mất trắng.

Thực tế, năm 2016, phong trào nuôi lợn thương phẩm xuất sang Trung Quốc bùng phát mạnh trên cả nước do giá lợn hơi xuất sang Trung Quốc cao, và nguồn cung khan hiếm. Chính vì điều này đã dẫn đến phát triển chăn nuôi ngoài quy hoạch bùng phát, dư cung và chỉ phụ thuộc một thị trường Trung Quốc khiến giá giảm, hộ chăn nuôi thiệt hại lớn.

Trên thực tế, giá lợn hơi xuất chuồng đang quá rẻ dưới 30.000 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn vậy, không hề giảm. Điều này càng làm khó cho hộ dân nuôi lợn kéo dài vài ba tháng với mong muốn vượt qua "mùa lỗ".

Trong khi đó, thị trường thịt lợn bán tại chợ, cửa hàng vẫn trên 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Gấp gần 3 lần so với giá bà con bán cho thương lái. Như vậy, người nuôi lợn không những không được hưởng lợi trong khâu phân phối mà còn đang là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng giá vật nuôi.

An Linh