1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Đừng bắt người dân phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công!”

(Dân trí) - Liên quan đến quy định tại dự án Luật Phí và lệ phí, đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị, tuyệt đối không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong việc sử dụng tiền thuế của dân. Thậm chí ông Nghĩa đề nghị truy cứu hình sự nếu xảy ra tình trạng lạm thu, thu trái pháp luật.

Góp phần ý kiến tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật phí, lệ phí chiều 11/11, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu, các khoản phí và lệ phí phải hợp lý để không trở thành một loại thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của người dân.

Bởi theo ông Nghĩa, tại những dịch vụ công phục vụ toàn dân thì bản thân người dân đã đóng các loại thuế. Do đó, đại biểu đề nghị, quy định về phí, lệ phí cần hợp lý, “phải làm sao để người dân không còn phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công nữa!”.

Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Ông Nghĩa nhấn mạnh, tuyệt đối không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước và trong việc sử dụng tiền thuế của dân.

“Anh sử dụng tiền thuế của dân đầu tư rất yếu kém, tăng chi phí lên rất nhiều, không đủ tiền, sau đó lại huy động các loại phí khác nhau để trả BOT, cuối cùng dân phải đóng thêm vào” đại biểu TP. Hồ Chí Minh phân tích.

Ông Nghĩa lấy ví dụ, phí hạ tầng giao thông, trong nhiều trường hợp là thuế thu nhập trá hình. Tại nhiều quốc gia, với các công trình hạ tầng giao thông cầu đường, chỉ thu phí nếu chứng minh được dự án này đem về giá trị gia tăng và cải thiện tốt hơn, hoặc người dân tự nguyện đóng tiền.

“Có những cung đường ghi rõ được xây dựng từ tiền đóng góp của người dân. Người dân cũng có quyền khiếu kiện nếu chất lượng đường kém vì họ đã trả tiền riêng cho dịch vụ đó” – ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo góp ý của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần phải bỏ cụm từ “khuyến khích xã hội hóa” trong văn bản luật vì cụm từ này mơ hồ và dễ bị lạm dụng. Nhiều trường hợp thực chất là tư nhân hóa, và nếu như vậy phải đánh thuế lên số thu nhập của tư nhân và nhà nước phải giảm số thuế tương ứng.

Ông Nghĩa cho rằng, cần gọi thẳng phương án này là tư nhân hóa và nên áp dụng trong những trường hợp tư nhân có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn, song lưu ý tránh lợi thế tự nhiên cho tư nhân.

Về những điều cấm, trong dự án luật có ghi “có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính”, ông Nghĩa đề nghị ghi rõ “có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” vì đây là đụng đến tiền của dân đóng góp.

“Nếu lạm thu, thu trái pháp luật, đụng vào thu nhập, tiền của dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – vị luật sư nhấn mạnh.

Về thẩm quyền của hội đồng nhân dân nêu trong dự án Luật, ông Nghĩa đề nghị phải có tiêu chí, có người “thổi còi” để tránh có những nơi quản lý nhà nước yếu kém, lãng phí, đặt ra mức phí, lệ phí quá cao, thiếu công bằng, lúc đó người dân tại địa phương đó không biết làm gì, không biết khiếu nại ai, không biết phản đối như thế nào.

Tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cũng đưa ra góp ý, trong thực tiễn, người dân bức xúc hiện tượng “phí chồng phí, phí chồng thuế” và lạm thu phí.

Do đó, bà Tâm đề nghị giao Chính phủ có danh mục chi tiết về các loại phí, lện phí và hàng năm Chính phủ phải báo cáo về danh mục chi tiết này để Quốc hội cho ý kiến và có giám sát.

Bích Diệp

“Đừng bắt người dân phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công!” - 2