TPHCM:
Đóng 102% tiền, đợi 4 năm vẫn không có nhà ở
(Dân trí) - Đó là tình cảnh “dở khóc dở cười” mà hàng trăm khách hàng đã gặp phải khi trót đặt niềm tin vào dự án Petrovietnam Landmark (Quận 2, TPHCM) để mong muốn có một chốn an cư.
Petrovietnam Landmark là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TPHCM do Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng với 4 block căn hộ cao từ 17 – 21 tầng. Giá bán khởi điểm ban đầu tại dự án khoảng 23,8 triệu/m2, nhưng sau đó hạ xuống còn 15,5 triệu/m2. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng.
Đến nay, dự án đã bán 410/418 căn hộ chung cư cho khách hàng. Đa phần khách hàng đã đóng đến 80% số tiền, thậm chí có người đóng 102% (bao gồm 2% phí bảo trì). Thế nhưng, ròng rã chờ đợi 4 năm qua, khách hàng “đứng ngồi không yên” khi dự án vẫn chỉ là một khối bê tông khổng lồ, ngưng trệ, còn chủ đầu tư thì… “lặn mất tăm”.
Mới đây, ngày 18/8, có gần 100 khách hàng dự án Petrovietnam Landmark đã kéo đến trụ sở công ty PVCLand để tìm hiểu tình hình dự án như lãnh đạo PVCLand đã hứa về việc tái khởi công dự án sau khi trễ hạn giao nhà gần 4 năm.
Tuy nhiên, đại diện phía chủ đầu tư đã không xuất hiện theo như lời hẹn. Văn phòng Công ty không có nhân viên làm việc, khách hàng cũng không liên lạc được với lãnh đạo PVCLand. Quá bức xúc, các cư dân đã đến Chi nhánh phía nam Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Công ty mẹ của PVCLand) giăng biểu ngữ đòi quyền lợi và phản đối cách làm việc PVCLand. Cuối cùng, do không có ai giải quyết nên các khách hàng thất thểu ra về trong sự mệt mỏi.
Bà Nguyễn Thị Thùy My, đại diện cư dân dự án Petrovietnam Landmark cho biết, hầu hết các khách hàng đã đóng tiền trên 80%, có người đóng đến 102% (bao gồm 2% phí bảo trì) nhưng hơn 4 năm qua họ chờ đợi trong vô vọng. Nhiều người đã “sống dở, chết dở” khi toàn bộ tài sản đều dồn vào dự án này nhưng dự án vẫn “án binh bất động”.
Chị N.T.H, một khách hàng của PVCLand nói trong nước mắt: “Tôi đã tích cóp mua được căn nhà 70m2 với giá 1,6 tỷ đồng của PVC Land từ khi con chưa chào đời. Đến nay con đã lớn mà vợ chồng tôi vẫn phải thuê nhà trọ bên ngoài để ở. Nhiều lúc con tôi lại hỏi khi nào mình có nhà, tôi chẳng biết trả lời sao nữa”.
Bi đát hơn là tình cảnh của anh T.P.T khi mỗi tháng gia đình anh phải còng lưng trả lãi ngân hàng hơn 13 triệu đồng mà nhà thì không có. “Để mua được căn hộ hơn 1,5 tỷ đồng ở đây, gia đình tôi phải đi vay cả ngân hàng và bên ngoài 1 tỷ đồng. Giờ nhà không có nhưng mỗi tháng vẫn phải trả lãi số tiền quá lớn. Chúng tôi đã chờ đợi mòn mỏi hàng năm trời nhưng chủ đầu tư vẫn trốn biệt. Giờ chúng tôi chỉ muốn gánh vác những khó khăn cùng chủ đầu tư, chỉ mong được ngồi lại cùng chủ đầu tư để bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết cho hàng trăm người dân ở đây”, anh T. nói.
Các khách hàng cho biết, trước đó chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nguyên hiện trạng của dự án, khách hàng cũng đã thành lập ban quản trị và sẽ tiếp nhận dự án để có phương án triển khai thi công hoàn thiện. Những khách hàng nào chưa thanh toán hết tiền mua nhà sẽ tiếp tục trả để sử dụng làm nguồn thu trả cho các nhà thầu.
Phương án khả thi nhất hiện nay là PVCLand phải bàn giao căn hộ theo thực tế hiện nay cho những người đã mua nhà, thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đến nay PVCLand vẫn “im hơi lặng tiếng”, mọi người cũng không biết hiện nay chủ đầu tư đang ở đâu!?
Các khách hàng cho biết, họ đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị tập thể gửi UBND TPHCM, các bộ ngành liên quan với mong muốn tìm được một giải pháp tốt nhất cho tình trạng này tại PetroVietnam Landmark.
Ngày 23/8, theo ghi nhận của PV, dự án PetroVietnam Landmark vẫn là một đại công trường yên ắng. Cả 4 block của dự án chỉ mới xây xong phần thô và hoàn toàn “bất động” hơn 1 năm nay.
Theo LS. Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TPHCM, những hợp đồng của khách hàng như ở dự án PetroVietnam Landmark là dạng hợp đồng góp vốn dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Dạng hợp đồng này thì khách hàng thường “nắm đằng lưỡi” nếu tranh chấp xảy ra.
“Những hợp đồng giao kèo thường cam kết không rõ ràng, phần thua thiệt luôn thuộc về khách hàng. Do đó, người mua căn hộ cần tìm hiểu kỹ về dự án, về uy tín chủ đầu tư, các điều khoản cam kết trên hợp đồng. Đặc biệt, theo quy định mới, khi mua dự án phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư với ngân hàng”, LS Nghiêm nói.
Cận cảnh dự án Petrovietnam Landmark khiến hàng trăm cư dân "ngậm bồ hòn" khi chủ đầu tư "mai danh ẩn tích":
Công Quang