Doanh nghiệp sản xuất phân thuốc giả tung chiêu “vỏ ngoại, ruột nội”... hại nông dân

(Dân trí) - Việc sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc thực vật hiện nay vô cùng phức tạp. Nông dân khó lòng phân biệt hàng thật vì các DN sản xuất phân, thuốc giả thường đóng gói bao bì có nguồn gốc nước ngoài, nhưng sản phẩm bên trong được sản xuất ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Tháp…

Ngày 6/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc Gia, phối hợp cùng BCĐ 389 Bộ NN&PTNT và BCĐ 389 tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV - thực trạng và giải pháp, diễn ra tại tỉnh An Giang.

Theo đánh giá của các đại biểu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua bán tràn lan tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính.

Ngày 6/7, tại An Giang, đã diễn ra Hội nghị về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả ở lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngày 6/7, tại An Giang, đã diễn ra Hội nghị về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả ở lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, hữu cơ vô cùng phức tạp. Tuy dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi trong nước không đủ điều kiện theo qui định như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TPHCM, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang.... Còn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ nước ngoài, xem lẫn với thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, những cơ sở này, lợi dụng qui định của pháp luật về các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng; trộn thêm tạp chất như: bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón; đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ…

Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã rà soát, thanh tra, kiểm tra hơn 1.400 vụ, đã tiến hành xử lý 306 vụ với 306 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng; đang xử lý 54 vụ.

Trong đó, về phân bón, cơ quan chức năng kiểm tra 958 vụ, phát hiện, xử lý 171 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1,8 tỷ đồng, tịch thu 100 tấn phân bón nhập lậu, tiêu hủy 500 tấn và 956 bao phân bón giả, kém chất lượng; đối với thuốc BVTV, kiểm tra 462 vụ, phát hiện, xử lý 135 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy trên 3 tấn thuốc BVTV các loại nhập lậu, không có trong danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đa phần các DN sản xuất phân bón giả sử dụng chiệu vỏ ngoại, ruột nội để đánh lừa nông dân. Khi bà con nông dân sử dụng loại phân thuốc giả này vừa làm tăng chi phí vừa ảnh hưởng đến môi trường.
Đa phần các DN sản xuất phân bón giả sử dụng chiệu vỏ ngoại, ruột nội để đánh lừa nông dân. Khi bà con nông dân sử dụng loại phân thuốc giả này vừa làm tăng chi phí vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong việc phát hiện, phòng chống phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Một số đơn vị, tổ chức mới chỉ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện…

Theo ông Nguyễn Văn Sanh – Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP.Cần Thơ cho rằng, thời gian kiểm định, kiểm mẫu kéo dài và trả kết quả rất chậm. Do vậy, khi có kết quả lượng hàng hóa trên đã đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo ông Sanh, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV; cần nâng cao nâng lực của tổ chức kiểm nghiệm, giám định; đưa kết quả giám định sớm và phải chịu trách nhiệm bởi cơ quan kiểm tra chỉ căn cứ vào đó giải quyết vụ việc.

Ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Lĩnh vực phân bón và thuốc BVTV là hai vấn đề nổi cộm, nóng bỏng. Vấn đề thêm phụ gia để tăng hàm lượng thuốc BVTV nhiều đại biểu dẫn chứng đó là hoạt chất, hàng ngoài danh mục cần phải xử lý. Thực trạng mới hiện nay là có hóa chất công nghiệp Trung Quốc đưa sang Việt Nam như đưa đạm giả vào thức ăn chăn nuôi, tăng hàm lượng trong rau… Thông thường một số hoạt chất tồn tại chỉ cần cách ly 7 ngày, nhưng có hoạt chất tồn tại từ 14 – 20 ngày, nên khi người tiêu dùng ăn phải thực phẩm tồn dư dẫn đến ung thư. Đó chính là hành vi tội ác…”.

Theo số liệu của Cục BVTV, hàng năm ngành trồng trọt có nhu cầu sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón và trên 100 ngàn tấn thuốc BVTV. Ngoài 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động còn có 200 hồ sơ đang đề nghị cấp giấy chứng nhận. Đối với thuốc BVTV, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu trên 4,9 triệu tấn. Hiện nay, trong nước chưa sản xuất được hoạt chất thuốc BVTV hoặc thuốc BVTV kỹ thuật nên nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Do vậy, năm 2017, nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV. Trước những thực trang trên đã khiến cho phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nguyễn Hành