Điểm lại những quyết định nhân sự gây khó hiểu tại Bộ Công Thương

(Dân trí) - Quản lý doanh nghiệp gây thua lỗ, sau đó được điều về làm quan chức tại Bộ. Phụ trách công tác hành chính tại Bộ lại được giao trọng trách quản trị doanh nghiệp lớn. Bổ nhiệm những cá nhân tuổi đời còn rất trẻ vào những vị trí quan trọng tại Bộ và doanh nghiệp do Bộ quản lý... Những quyết định bổ nhiệm này không khỏi khiến dư luận băn khoăn.

Sau khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) liên tục có văn bản đề nghị thoái vốn Nhà nước tại Sabeco thì vấn đề bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại doanh nghiệp này cũng liên tục được đặt ra và gây tranh cãi.

Tuy nhiên, đây không phải là vụ ồn ào đầu tiên và duy nhất trong công tác nhân sự tại Bộ Công Thương dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Chỉ nhìn lại một vài năm trở lại đây, một số vụ việc bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự ở Bộ này khiến ngay chính đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành công thương xì xào. Đây đều là những vụ việc đã được báo chí phản ánh.

Ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng khi tuổi đời còn rất trẻ
Ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng khi tuổi đời còn rất trẻ

25 tuổi điều hành PVFI, 29 tuổi lãnh đạo Sabeco

Trong văn bản của VAFI, hiệp hội này bày tỏ mối thắc mắc khi Bộ Công Thương điều động ông Vũ Quang Hải về làm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco, một doanh nghiệp lớn của Bộ khi tuổi đời ông Hải còn rất trẻ (29 tuổi).

Thời điểm bổ nhiệm ông Hải về Sabeco, Bộ Công Thương giới thiệu "việc bổ nhiệm này nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo Sabeco".

Tuy nhiên, trên thực tế, theo VAFI, trong 2 năm ông Hải điều hành Công ty CP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì đã khiến công ty vốn 300 tỷ đồng này thua lỗ tổng cộng 220 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng). Điều đáng nói là PVFI thành lập năm 2007 thì từ 2008 đến 2010, công ty này đều kinh doanh có lãi.

Tình trạng PVFI sau đó, theo như phản ánh của VAFI là "gần như tê liệt hoạt động và đã ở tình trạng phá sản". PVFI là công ty đại chúng và có nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch nhưng từ thời ông Vũ Quang Hải nắm quyền cho đến nay, mọi thông tin về PVFI đều bị bưng bít hoàn toàn. Thời điểm nhậm chức Tổng giám đốc tại PVFI, ông Vũ Quang Hải mới 25 tuổi.

Do điều hành khiến PVFI bị thua lỗ 2 năm liên tiếp nên theo quy định hiện hành, ông Vũ Quang Hải phải "chịu án" kỷ luật. Rời PVFI, ông Hải được điều chuyển về Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và trước khi về Sabeco thì ông Hải đã có hàm Phó Vụ trưởng.

Ông Hải là con trai của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, người có 2 nhiệm kỳ với 9 năm lãnh đạo Bộ Công Thương và các quyết định trên đều dưới thời ông Hoàng đang tại nhiệm.

Thư ký Bộ trưởng được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng rồi làm Chủ tịch HĐQT Sabeco

Ông Võ Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) nhận quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Bộ Công thương từ ngày 24/02/2015
Ông Võ Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) nhận quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Bộ Công thương từ ngày 24/02/2015

Một quyết định khó hiểu khác cũng được VAFI đề cập đó là việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công Thương, trước đó là thư ký của ông Vũ Huy Hoàng về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco. Ông Hà chủ yếu làm công tác hành chính và chưa từng kinh qua chức vụ nào về quản lý, điều hành doanh nghiệp.

VAFI cho rằng, Chủ tịch HĐQT phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích xuất sắc về quản trị doanh nghiệp, phải kinh qua thử thách tại nhiều vị trí công tác tại doanh nghiệp.

Thậm chí, theo đánh giá của hiệp hội này, Chủ tịch Sabeco về năng lực ít ra phải bằng 20% năng lực của những lãnh đạo lão làng chứ không thể chọn "một người lơ mơ như ông Võ Thanh Hà" với câu nói nổi tiếng "vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua là mờ nhạt…vậy cổ phần hóa vì mục đích gì, cần nêu rõ ?".

"Sabeco không thiếu gì người tài với năng lực quản trị gấp nhiều lần so với ông Hà, vậy tại sao Bộ Công Thương không chọn ?", VAFI chất vấn trong một văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công Thương.

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất (sinh năm 1957) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco thì lại được Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương kể từ ngày 1/11/2015.

Còn tại Habeco, người được Bộ Công Thương tin tưởng giao vào vị trí Chủ tịch HĐQT công ty này là ông Đỗ Xuân Hạ. Ông Hạ nguyên là Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương trước khi về Habeco vào tháng 8/2015.

Doanh nhân sinh năm 1984 làm Thư ký Bộ trưởng

Ông Vũ Hùng Sơn là một trong những nhân sự trẻ tại Bộ Công Thương
Ông Vũ Hùng Sơn là một trong những nhân sự trẻ tại Bộ Công Thương

Sau khi ông Võ Thanh Hà được điều động về làm Chủ tịch HĐTV Sabeco thì ông Vũ Hùng Sơn (sinh năm 1984), Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại của Bộ đã được bổ nhiệm giữ vị trí mới là thư ký Bộ trưởng. Ông Sơn cũng được giao nhiệm vụ Phụ trách văn phòng Bộ Công Thương trong thời gian vị trí Chánh văn phòng Bộ còn trống.

Ông Sơn sinh trưởng trong một gia đình doanh nhân nổi tiếng, là con trai ông Vũ Mạnh Hải, chủ thương hiệu kinh doanh vàng bạc Bảo Tín Mạnh Hải. Năm 2011-2012, ông Vũ Hùng Sơn từng làm chủ một công ty chuyên nhập khẩu xe siêu sang nổi tiếng ở Hà Nội là Sơn Tùng Auto.

Sau đó, ông Sơn làm Phó Tổng biên tập Báo Đời sống và Tiêu dùng. Tháng 6/2014, ông Sơn giữ chức danh Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương. Tháng 2/2015, với việc trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo của Bộ Công Thương, ông Sơn trở thành Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghiệp và sau đó nửa năm, ông Sơn là thư ký Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Lãnh đạo doanh nghiệp lỗ 3.200 tỷ đồng về làm Phó Chánh Văn phòng Bộ

Trong khi ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người đi xe Lexus biển xanh đang tập trung sự chú ý của dư luận thì trong quá khứ, ông Thanh cũng đã có một thời gian dài làm việc tại Bộ Công Thương với nhiều vị trí khác nhau.

Ông Thanh đã từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013 trước khi được điều động về Bộ Công Thương làm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013.

Di sản mà ông Thanh để lại cho PVC là khoản lỗ hợp nhất 3.200 tỷ đồng tại PVC trong năm 2013 (hai năm sau khi tổng công ty này đón nhận anh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới).

Một báo cáo của Ban xây dựng PVN năm 2012 (lúc ông Thanh còn lãnh đạo PVC) cho thấy, tại thời điểm đó, PVC đã bị mất cân đối về tài chính, dòng tiền kinh doanh âm 1.100 tỷ đồng, sa lầy vào bất động sản và đầu tư dàn trải, không đúng mục đích, không theo kế hoạch phê duyệt.

Ông Trịnh Xuân Thanh nhận một quyết định tại Bộ Công Thương
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận một quyết định tại Bộ Công Thương

Bổ nhiệm 2 trưởng phòng chung 1 "ghế"

Năm 2014, Bộ Công Thương lại khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi ra hai quyết định bổ nhiệm khá khó hiểu. Cụ thể, ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả theo Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8/8/2013. Sau đó, ông Thân Đức Công được bổ nhiệm cũng vào vị trí trên ngày 25/1/2014 theo Quyết định 116/QĐ-QLTT cũng của lãnh đạo Cục QLTT.

Tuy nhiên, thời điểm bổ nhiệm ông Thân Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả thì không có văn bản nào hủy bỏ Quyết định bổ nhiệm ông Kiều Nghiệp. Nghĩa là, cả hai Quyết định 1268 và Quyết định 166 đều cùng bổ nhiệm 2 người vào cùng một ví trí, chính vì vậy, Cục Quản lý thị trường (QLTT) có 2 nhân sự giữ cùng chức vụ Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả.

Trao đổi với báo giới sau đó, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT có giải thích rằng, quyết định bổ nhiệm ông Trần Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng chống hàng giả là do trong quá trình soạn thảo văn bản có những sai sót kỹ thuật. Trên thực tế, ông Kiều Nghiệp vẫn là Trưởng phòng phụ trách Phòng chống hàng giả và ông Trần Đức Công giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ kiểm tra thị trường cơ động.

Hiện Bộ Công Thương đang quản lý 15 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò là trụ cột, "quả đấm thép" của nền kinh tế như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex)...

Việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Bộ Công Thương rất được giới đầu tư quan tâm do bộ này "nắm trong tay" rất nhiều doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, tiến độ bán vốn ở Bộ Công Thương lại khá thất vọng.

Năm 2015, Bộ Công Thương là một trong những đơn vị "đội sổ" về công tác cổ phần hóa, chỉ cổ phần hóa được 2 trong số 12 doanh nghiệp được giao.

Giải thích cho tình trạng chậm cổ phần hóa, một đại diện Bộ Tài chính từng cho biết, do một số cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại chần chừ, sợ có những vấn đề sau khi cổ phần hóa vị trí của mình sẽ bị ảnh hưởng, điều này vẫn ảnh hưởng kết quả cổ phần hóa.

Bích Diệp