1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM:

Chủ đầu tư trả cầu Phú Mỹ cho UBND TP.HCM

(Dân trí) - Trước thái độ liên tục đòi ứng tiền, giãn nợ, tăng vốn… của chủ đầu tư cầu Phú Mỹ, UBND TP đã quyết định chủ trương thu lại cây cầu dây văng nổi tiếng này. Giữa năm 2011, công ty này cũng từng gửi văn bản đòi... trả cầu cho TP.

Cầu Phú Mỹ nổi tiếng một phần vì đây là một trong những công trình hạ tầng hiếm hoi hoàn thành sớm hơn tiến độ dự kiến của TP. Nó còn là một cây cầu rất quan trọng, nối liền khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), dài hơn 2km và rộng đến 27,5m. Ngày khánh thành, cầu Phú Mỹ còn được ví von như 1 công trình biểu tượng của TPHCM.

Tuy nhiên, sau ngày khánh thành (tháng 9/2009) chưa được bao lâu thì liên tục xảy ra rắc rối xung quanh cây cầu biểu tượng này. Nguyên nhân chính là vì chủ đầu tư (Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, nay là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ, gọi tắt là Cty PMC) cho là thu phí không đủ để hoàn vốn.

Chủ đầu tư trả cầu Phú Mỹ cho UBND TP.HCM - 1
Công trình biểu tượng này của TPHCM mang nhiều tai tiếng kể từ sau ngày khánh thành

Theo hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TP và Cty PMC thì Cty PMC sẽ không sử dụng vốn ngân sách mà phải tự huy động vốn từ các quỹ tín dụng để xây cầu, khi cầu hoàn tất sẽ được thu phí trong thời gian ít nhất là 26 năm để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thu phí tại cây cầu nay, Cty PMC nhận thấy mức phí thu được quá thấp so với dự kiến, không đủ để chủ đầu tư trả lãi và nợ vay đầu tư xây cầu.

Đầu tiên, chủ đầu tư xin thu phí xe hai bánh qua cầu để bù chi nhưng gặp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Sau Cty PMC lại xin thu phí vượt khung nhưng cũng không được HĐND TP thông qua.

Sau đó, Cty PMC lại đưa ra nhiều lý do đẩy Cty vào tình cảnh khó khăn về tài chính như: nguồn thu phí thấp vì xe qua cầu ít do lỗi của UBND TP, tổng mức đầu tư dự án tăng gần gấp đôi, tỷ giá USD/VNĐ tăng đột biến so với dự toán khi lập dự án khiến việc thu phí không đảm bảo trả lãi vay, lãi suất tăng quá nhanh…

Đứng trước khó khăn này của chủ đầu tư, UBND TP đã cho Cty này tạm ứng ngân sách 120 tỉ đồng để trả nợ vay ngân hàng nước ngoài, cùng với 100 tỉ đồng được tạm ứng trước đó để bồi thường, giải phóng mặt bằng, nâng tổng số tiền tạm ứng lên 220 tỉ đồng.

Nhưng Cty PMC vẫn đưa ra thêm nhiều yêu sách như xin duyệt tăng tổng vốn đầu tư công trình (từ 1.805 tỷ đồng tăng lên 3.402 tỷ đồng) để kéo dài thời gian thu phí... Trong khi đó, công trình đường dẫn lên cầu thì xuống cấp trầm trọng nhanh chóng nhưng không được sửa sang.

Để làm áp lực buộc UBND TP chấp thuận các kiến nghị của mình, từ giữa năm 2011 Cty PMC đã gửi văn bản đòi… trả cầu Phú Mỹ cho TP nếu như không chấp thuận các kiến nghị giải quyết khó khăn tài chính cho Cty.

Chỗ dựa lớn nhất khi Cty PMC đưa ra yêu sách này là tại điều khoản 7.4.4 của hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TP và Cty PMC quy định nếu tuyến đường vành đai phía Đông TP (cũng do Cty PMC làm chủ đầu tư) hoàn thành chậm hơn cầu Phú Mỹ trên 3 năm thì tại thời điểm sau 3 năm chậm trễ, bên B (PMC) sẽ chuyển giao công trình cho bên A (UBND TP) quản lý và khai thác.

Cầu Phú Mỹ chính thức khánh thành vào tháng 9/2009. Như vậy, đến tháng 9/2012 thì đã là 3 năm kể từ ngày cầu Phú Mỹ đưa vào khai thác nhưng đường vành đai phía Đông hiện vẫn dẫm chân tại chỗ vì chủ đầu tư thiếu vốn. Như vậy, Cty PMC sẽ đủ điều kiện để trả cầu Phú Mỹ cho UBND TP.

Đứng trước tình hình này, lãnh đạo UBND TP đã họp và thống nhất chủ trương sẽ thu lại cầu Phú Mỹ, chấp thuận hoàn trả lại cho chủ đầu tư toàn bộ vốn đầu tư của dự án (kể cả một phần lợi nhuận đầu tư) để tránh bị yêu sách.

Tùng Nguyên