Chủ đầu tư khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đã đủ điều kiện để khai thác

"Với tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án (6.777 tỷ đồng) thì việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động lại là đảm bảo khả thi, đáp đứng được tiến độ giải ngân cho dự án", TIC khẳng định.

Trước nhiều dư luận trái chiều cũng như phản ứng từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án khẳng định Mỏ sắt Thạch Khê đã đủ điều kiện để tái khởi động.
Trước nhiều dư luận trái chiều cũng như phản ứng từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án khẳng định Mỏ sắt Thạch Khê đã đủ điều kiện để tái khởi động.

Cty CP Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có báo cáo thông tin chung về dự án mỏ sắt Thạch Khê khẳng định, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã được điều tra, khảo sát, nghiên cứu rất tỷ mỉ trong cả quá trình dài và đã được thẩm định bởi rất nhiều chuyên gia đầu ngành về địa chất, khai thác mỏ, tuyển khoáng, môi trường, ... thuộc các Hội đồng thẩm định khác nhau.

TIC cũng khẳng định dự án đã đủ điều kiện về pháp lý, khoa học, thực tiễn và tính hiệu quả để triển khai. Các nội dung băn khoăn, lo ngại trước đó của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã được giải quyết tương đối đầy đủ; Một số kiến nghị của các chuyên gia đề nghị thực hiện, bổ sung trong quá trình khai thác cũng đã được TIC ghi nhận để tiếp tục theo dõi, xử lý kịp thời trong quá trình xây dựng và khai thác mỏ.

"Đã được nghiên cứu tỉ mỉ"

Theo thông tin từ TIC, dự án này đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Viện các vấn đề quản lý (IPU) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga lập và được Bộ Công nghiệp phê duyệt vào tháng /8/2002 và Chính phủ thông qua vào tháng 11/2005. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án phê duyệt năm 2008 cho thấy một số vấn đề không còn phù hợp cần xem xét điều chỉnh lại dự án nhằm đảm bảo tính khả thi theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sau đó, dự án điều chỉnh lại đã được Bộ Công Thương chủ trì thẩm định, kết quả thẩm định được Chính phủ thông qua vào tháng 10/2013.

Ngoài ra, dự án điều chỉnh đã được các đơn vị, tổ chức góp ý, thẩm tra, thẩm định gồm: Góp ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 283/UBND-CN1 ngày 20/01/2014; Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, thẩm tra tính hiệu quả và khả thi của Dự án và Tổ công tác thẩm định do Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam thành lập thực hiện thẩm định Dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Đề án cải tạo phục hồi môi trường của Dự án điều chỉnh đã được Bộ TN&MT phê duyệt vào tháng 9/2013. Dự án điều chỉnh đã được Hội đồng quản trị TIC đã phê duyệt vào tháng 12/2014.

Thiết kế kỹ thuật đã được Bộ Công Thương chủ trì thẩm định từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016 thông qua 3 phiên họp Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, với sự thận trọng để đảm bảo chắc chắn trong việc thẩm định TKKT của Dự án, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp TIC lựa chọn đơn vị Tư vấn nước ngoài là Công ty CBM của CHLB Đức thẩm định.

Căn cứ kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của Tư vấn Đức và kết quả của Hội đồng thẩm định Bộ Công thương, TIC đã hoàn thiện và phê duyệt thiết kế kỹ thuật của dự án tại Quyết định số 05/QĐ-HĐQT ngày 29/4/2016.

Quá trình thẩm định Dự án điều chỉnh; Thiết kế kỹ thuật; Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường đã được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện thông qua việc thành lập các Hội đồng thẩm định thuộc Bộ Công Thương và Bộ TNMT.

Sẽ được hàng loạt ngân hàng tài trợ vốn

Theo báo cáo của TIC, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê được thành lập năm 2007 với 9 cổ đông sáng lập nhưng việc góp vốn để triển khai dự án không đạt được theo yêu cầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 TIC đã cơ cấu lại xuống còn 5 cổ đông. Sau khi cơ cấu lại TIC tiếp tục huy động vốn điều lệ, tuy nhiên chỉ có 2 cổ đông là TKV và Thăng Long thực hiện nghĩa vụ góp vốn.

Theo dự án được duyệt, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp của các cổ đông và 70% vốn vay và nguồn huy động khác.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, hiện nay TIC đã huy động vốn góp cổ đông 1.809/2033 tỷ đồng cần góp để đủ vốn đối ứng 30% giai đoạn I của dự án, còn thiếu 224 tỷ. Một phần nguyên nhân do một số cổ đông thiếu năng lực, không còn khả năng góp vốn (Mitraco, Vnsteel và Bitexco); nhưng nguyên nhân chính vẫn là do dự án chưa được tái khởi động. Cụ thể, cổ đông TKV và Thăng Long đều đã có công văn sẵn sàng góp thay phần còn thiếu của các cổ đông khác sau khi được Bộ Công Thương thông qua phương án góp vốn của TKV và Dự án được triển khai trở lại.

TIC cho biết, hiện nay, BIDV đã có chủ trương tài trợ vốn giai đoạn I cho dự án. Ngoài ra, các ngân hàng: SHB, Tiên phong Bank, Mizuho, May Bank đã phối hợp với đơn vị tư vấn huy động vốn BSC làm việc với TIC để nghiên cứu và thẩm định nhằm sớm đạt được thỏa thuận tài trợ vốn cho dự án. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng vay vốn sẽ được các bên thực hiện sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép tái khởi động lại dự án và TIC huy động đủ 30% vốn đối ứng.

Ngoài việc huy động vốn góp cổ đông và vốn vay thương mại, TIC sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa các khâu như: bóc xúc, vận chuyển, khoan nổ mìn,... từ các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, có thể huy động vốn từ thị trường vốn trên các các sàn giao dịch trong và ngoài nước khi dự án đi vào hoạt động.

"Với tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án (6.777 tỷ đồng) thì việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động lại là đảm bảo khả thi, đáp ứng được tiến độ giải ngân cho dự án", TIC khẳng định.

Tổng mức đầu tư 14.517 tỷ đồng, hoàn vốn chưa tới 10 năm

Phản biện lại một số lo ngại của UBND tỉnh Hà Tĩnh, phía TIC cho hay, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn (544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước), quặng có hàm lượng sắt cao, giá thành sản xuất thấp. Theo dự án điều chỉnh được duyệt, tổng mức đầu tư là 14.517 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn khoảng 9,5 năm.

Theo TIC, dự án này sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao, tăng GDP cả nước; Tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là dịch vụ và thương mại trên địa bàn các xã vùng mỏ và tỉnh Hà Tĩnh;

Theo tính toán hàng năm nộp ngân sách từ dự án trung bình giai đoạn I là 1.200 tỷ đồng/năm (công suất 5 triệu tấn/năm), giai đoạn II là 2.400 tỷ đồng/năm (công suất 10 triệu tấn/năm), tổng thu từ các khoản thuế phí trên của Dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng; Ngoài ra, còn các khoản thuế, phí khác như: Thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN, thuê đất, ...

Dự án cũng được TIC đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Theo tính toán thì lợi nhuận của Dự án đem lại cho nhà đầu tư là 66.391 tỷ đồng (trước thuế), sau thuế là 53.024 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho 3.490 lao động trực tiếp (theo Dự án), trong đó ưu tiên chủ yếu là động tại địa phương.

PV