Bộ trưởng Xây dựng: Khó xảy ra bong bóng bất động sản, nhưng không chủ quan!

(Dân trí) - Thừa nhận đang có tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá tại một số dự án bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, không thể chủ quan với nguy cơ bong bóng dù khẳng định, trường hợp này khó xảy ra.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên làm việc sáng 17/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều dự án đã tái khởi động trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, có hiện tượng một số chủ dự án lớn bắt đầu găm hàng, tăng giá và coi đây là nghệ thuật kinh doanh có lợi nhuận cao. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân lại đang ở mức cao, thu nhập người dân khó khăn.

Ông Đương đề nghị, Bộ Xây dựng có đánh giá về hình thức kinh doanh thiếu lành mạnh này, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản trở lại.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Tại phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, đúng là hiện tại đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đầu cơ. Theo đó, tại một số dự án, giá mua nhà của người sử dụng đã cao hơn nhiều so với giá mà chủ đầu tư bán ra. Một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh thì giá cao lên và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá.

Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Dũng, do hiện nay có xu hướng nhiều dự án BĐS nhà ở được khởi công, dẫn dến lo ngại bong bóng bất động sản có thể xảy ra trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia và theo kinh nghiệm của những nước đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS, trường hợp này chỉ xảy ra khi hội tụ đầy đủ 5 yếu tố:

Một là nền kinh tế phát triển không ổn định, đặc biệt là phát triển nóng; Hai là các thị trường khác không ổn định và thiếu hấp dẫn khiến người dân dồn tiền cho BĐS; Ba là nguồn cung BĐS thiếu hoặc lệch pha cung cầu; Bốn là chính sách tài chính tín dụng BĐS lỏng lẻo, chứng khoán hóa BĐS, hạ chuẩn BĐS một cách dễ dàng; Năm là thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng đặc biệt là quản lý phát triển đô thị và quản lý thị trường BĐS.

Đối chiếu với thị trường hiện nay, Bộ trưởng Dũng khẳng định “khó có thể xảy ra hiện tượng bong bóng bất động sản” vì kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như các yếu tố khác đều đã giữ được ổn định.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng lưu ý, “diễn biến của thị trường BĐS rất phức tạp nên không thể chủ quan”.

Tư lệnh ngành xây dựng cho biết, đang thực hiện một loạt các giải pháp để đưa thị trường BĐS phát triển một cách bền vững. Theo đó, đa dạng hóa các sản phẩm BĐS để mọi người dân đều có thể sở hữu nhà ở theo khả năng thanh toán và có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tái cơ cấu các dự án bất động sản thay vì trước đây thị trường BĐS chỉ phục vụ cho một nhóm những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, còn thiếu những sản phẩm cho đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Đồng thời, kiểm soát thị trường tài chính, tín dụng trong đó kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào BĐS.

Ông Dũng cũng cho biết, cần phải tập trung tái cấu trúc, tăng tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp BĐS để khắc phục được những sản phẩm BĐS kém chất lượng và những doanh nghiệp BĐS kém năng lực, kinh doanh thua lỗ dẫn đến thiệt hại cho khách hàng.

“Với trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý đô thị, nhà ở và kinh doanh BĐS, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để thực hiện quyết liệt các giải pháp, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng hứa hẹn.

Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc một số địa phương có kế hoạch xây dựng các công sở tập trung hàng nghìn tỷ đồng một cách hoành tráng. Trong khi đó, ngân sách lại khó khăn. Theo ông Đương, đây là vấn đề rất hệ trọng.

 

Bích Diệp

Bộ trưởng Xây dựng: Khó xảy ra bong bóng bất động sản, nhưng không chủ quan! - 2