1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

ADB ký thỏa thuận tài chính với 8 ngân hàng Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 20/5, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận tài chính với 8 ngân hàng của Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại.

8 ngân hàng thương mại Việt Nam mà ADB đã ký các thỏa thuận gồm: Ngân hàng Thương mại Á Châu, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam.
 
ADB dự kiến sẽ ký thỏa thuận tương tự với hai ngân hàng nữa trong thời gian tới, nâng tổng số các ngân hàng Việt Nam tham gia chương trình lên 10.
 
Các thỏa thuận được ký kết vào thời điểm cuộc khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhiều tổ chức tài chính ngày càng hạn chế cho vay do cần bảo toàn nguồn vốn của mình. Việc nhiều ngân hàng không thể hỗ trợ tài chính cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp sẽ làm trầm trọng và kéo dài thêm tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là một vấn đề mà các quốc gia Châu Á có hoạt động xuất khẩu tích cực như Việt Nam đang gặp phải.
 
Vụ trưởng Vụ Hoạt động của khu vực tư nhân của ADB Philip Erquiaga nói: “Nguồn tín dụng tài trợ cho các hoạt động thương mại đang giảm đi ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. Các thỏa thuận này sẽ giúp ADB hợp tác cùng với các ngân hàng của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế. Điều này cũng giúp duy trì công ăn việc làm cho người lao động”.
 
Các thỏa thuận này là một phần của Chương trình hỗ trợ tài chính thương mại (chương trình TFFP) mở rộng có trị giá 1 tỷ USD của ADB. Dự kiến chương trình sẽ huy động tổng cộng 15 tỷ USD hỗ trợ cho các hoạt động thương mại tại Châu Á tính đến cuối năm 2013.
 
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của ADB cho biết: “Nguồn tài chính từ chương trình TFFP có thể được cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sử dụng. Việt Nam cần thúc đẩy thương mại để đối phó lại những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thông qua chương trình TFFP và các hỗ trợ khác, ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam để tăng cường sức chịu đựng và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế”.
 
Theo ADB, thâm hụt thương mại của Việt Nam ở mức 12,379 tỷ USD vào năm 2009, sau khi đạt mức 12,782 tỷ USD vào năm 2008. Thâm hụt thương mại có thể giảm xuống 11,833 tỷ USD vào năm 2010. Thâm hụt tài khoản vãng lai được dự đoán sẽ tăng từ mức 9,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 lên mức 11,5% trong năm 2009 và mức 9,7% trong năm 2010.
 
Nguyễn Hiền