Gắn biển tiếng Việt cho chùa tông phái Phật giáo Việt ở Thái Lan
Sáng 21/8, tại chùa Phổ Phước (tên tiếng Thái là Wat Kusol Samakorn ) và chùa Từ Tế (Wat Lokanukor), hai trong số những ngôi chùa Việt lâu đời nhất tại Thái Lan, đã diễn ra lễ gắn biển tên chùa bằng tiếng Việt.
Chùa Phổ Phước là nơi đặt trụ sở của Annamnikaya - An Nam tông, tông phái Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan và Chùa Từ Tế là nơi ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch ở Vương quốc Thái Lan đầu thế kỷ 20.
Buổi lễ được tổ chức với sự tham dự của Tăng trưởng Annamnikaya - Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu, trụ trì chùa Phổ Phước và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan Phạm Thành Nam cùng các chư tôn đức, hàng trăm kiều bào, người Việt Nam đang lao động, học tập tại Thái Lan.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức đến Thái Lan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã cùng chính quyền thủ đô Bangkok thực hiện nghi thức gắn biển tên Việt cho Chùa Khánh Vân do người Việt di cư xây dựng vào cuối thế kỷ 18, có tên tiếng Thái là U Phai Rat Bamrung, có nghĩa Ngôi chùa vinh dự được hai nhà vua bảo hộ.
Cách đây khoảng 200 năm, cùng với sự xuất hiện của cộng đồng người Việt ở Thái Lan, một số ngôi chùa người Việt cũng được xây dựng, đến nay trên toàn Thái Lan có khoảng 20 chùa gốc Việt.
Kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại Thái Lan từ hơn 2 thế kỷ trước, Annamnikaya luôn là một chỗ dựa tinh thần của bà con người Việt, vốn vì những lý do khác nhau mà phải di cư tới để làm ăn sinh sống. Bất chấp các thăng trầm của lịch sử, tông phái Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan đã được duy trì mạnh mẽ và trở thành một tông phái được kính trọng trong cộng đồng Phật giáo ở Thái Lan.
Vương quốc Thái Lan cũng là nơi có số chùa đã hay đang hành trì các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam nhiều nhất ở nước ngoài.
Cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó hình ảnh quê nhà với ngôi chùa thân thuộc không thể nào thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Các ngôi chùa gốc Việt tại xứ chùa Vàng chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết. Đó cũng là không gian để mọi người có thể bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ và là cơ sở để vun đắp cho quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt-Thái./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/gan-bien-tieng-viet-cho-chua-tong-phai-phat-giao-viet-o-thai-lan/402147.vnp