Robot tự động dò tìm khuyết tật mối hàn "made in Việt Nam"

(Dân trí) - Dưới sự hướng dẫn của TS Vũ Dương, nhóm nghiên cứu của trường đại học Duy Tân vừa chế tạo thành công mẫu robot dùng để tự động dò tìm khuyết tật mối hàn, mở ra một hướng đi mới ứng dụng tích hợp tự động điều khiển, lập trình, cơ khí chế tạo trong công nghiệp.

Robot tự động dò tìm khuyết tật mối hàn "made in Việt Nam"

(Vì vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ và hạn chế "sao chép" nên clip đã làm mờ một số bộ phận)

Nhóm nghiên cứu chế tạo thành mẫu robot này gồm 5 chàng sinh viên đến từ khoa Điện - Điện tử của ĐH Duy Tân gồm: Đinh Hữu Quang, Nguyễn Mạnh Tiến, Võ Hoàng Anh, Lưu Quang Thành và Hoàng Thái Hòa. Sản phẩm vừa đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 8 vừa qua do Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa lạc đồng tổ chức cùng Sở KHCN, Hội đồng khởi nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Đà nẵng.

Kiểm tra các mối hàn trên thân tàu là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, bởi với một con tàu có kích thước và tải trọng lớn thì công sức cũng như chi phí bỏ ra cho công tác nhân công và lắp đặt giàn giáo là rất lớn. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Duy Tân nảy sinh ý tưởng chế tạo robot tự động để giải quyết bài toán khó khăn này.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của TS Vũ Dương sản phẩm mang tên “Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu” đã ra đời. Robot được lắp đặt đầu dò siêu âm kết hợp với một camera ghi nhận hình ảnh.


Hình ảnh robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu của nhóm nghiên cứu trường ĐH Duy Tân

Hình ảnh robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu của nhóm nghiên cứu trường ĐH Duy Tân

“Chúng em hy vọng sản phẩm ra đời sẽ làm tăng chất lượng công việc kiểm tra lỗi mối hàn tại các thân tàu và giảm chi phí cũng như sức người cho các khâu thực hiện. Chẳng hạn như chi phí để kiểm tra lỗi tại một con tàu có trọng tải và kích thước lớn phải lên đến cả tỉ đồng và mất rất nhiều thời gian kiểm tra. Công nhân phải leo trèo để dò lỗi rất tốn công và nguy hiểm. Trong khi vấn để này chỉ cần vài con robot là có thể đáp ứng được.”, các thành viên nhóm nghiên cứu đồng quan điểm chia sẻ.

TS Vũ Dương, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Robot mang theo thiết bị dò siêu âm và di chuyển tự động theo mối hàn mà người sử dụng muốn kiểm tra. Khi phát hiện thấy có khuyết tật (tức là thấy các xung hồi đáp bất thường) thì người điều khiển có thể cho dừng robot, điều khiển robot để kiểm tra lại xem ở vị trí đó có phải là khuyết tật hay không. Nếu đó là khuyết tật thì người điều khiển sẽ ra lệnh cho Robot đánh dấu vị trí đó rồi di chuyển, kiểm tra tiếp. Nếu không phải là khuyết tật thì sẽ điều khiển cho robot di chuyển, kiểm tra tiếp luôn . Cứ như vậy cho đến hết đường hàn.

Cũng theo TS Vũ Dương, robot này có khả năng di chuyển tự động bám theo các đường hàn trên thân tàu, đánh dấu vị trí có khuyết tật; Robot tự động di chuyển linh hoạt trên những đường thẳng, đường cong và có thể được tháo rời dễ dàng tùy theo những yêu cầu khác nhau; Robot có thể di chuyển với tốc độ tối đa- 0,3 km/h. Bên cạnh đó, Robot có thể truyền nhận dữ liệu với trạm kiểm soát ở khoảng cách 500m – 1000m.


Robot tự động di chuyển linh hoạt trên những đường thẳng, đường cong

Robot tự động di chuyển linh hoạt trên những đường thẳng, đường cong

“Quá trình thực hiện để cho ra mắt sản phẩm gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí. Bên cạnh đó là hạn chế về cơ sở thử nghiệm, thời gian…Tuy nhiên với sự đam mê và quyết tâm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công” – TS Vũ Dương chia sẻ.

Hiện tại, trường ĐH Duy Tân và nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp với nhà máy đóng tàu Sông Thu thử nghiệm mô hình robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu tại công xưởng. Bên cạnh đó, trường cũng đã nộp hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xin đăng ký bản quyền, và đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường.

“Hiện nay ở trong nước chưa sản phẩm nào tương đồng. Còn trên thế giới có hãng Olympus (Mỹ) có chào bán thiết bị dò tìm khuyết tật nhưng giá khá cao (khoảng 1 tỷ đồng) mà về thực chất không phải hoàn toàn được tự động lập trình điều khiển (chỉ dành cho 1 quĩ đạo nhất định). Đây sẽ là cơ hội cho nhóm nghiên cứu khởi nghiệp thành công” – TS Vũ Dương tươi cười cho biết.

Nguyễn Hùng