Người Ấn Độ đối mặt vấn nạn rắn độc

Minh Khôi

(Dân trí) - Ấn Độ hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do rắn cắn cao nhất thế giới, với khoảng 58.000 người chết vì rắn cắn mỗi năm.

Người Ấn Độ và nỗi lo rắn độc

Người Ấn Độ đối mặt vấn nạn rắn độc - 1

Một con rắn hổ mang Ấn Độ được tìm thấy ở vùng đất nông nghiệp Kanchipuram, tỉnh Tamil Nadu, Ấn Độ (Ảnh: MCBT).

Trong số 3.500 loài rắn trên thế giới, khoảng 600 loài có nọc độc. Chúng đa phần sử dụng nước bọt, chất độc tiết qua những chiếc nanh trong miệng để làm tê liệt hoặc giết con mồi.

Kiến thức này đã được con người nắm được từ lâu. Chúng ta cũng đã sản xuất được nhiều loại thuốc giải độc từ nọc rắn. Dẫu vậy, những cái chết do rắn cắn vẫn còn là một vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ. Chủ yếu bởi tỷ lệ các hộ nghèo tại quốc gia này vẫn còn cao.

Theo Million Death Study, một trong những nghiên cứu toàn cầu lớn nhất về tỷ lệ tử vong sớm, có khoảng 58.000 người Ấn Độ chết mỗi năm vì rắn cắn - cao nhất thế giới.

Điều đáng lo ngại được giới chức nước này ghi nhận, là ngày càng có nhiều những vết cắn đến từ các loài rắn độc ít phổ biến ở một số khu vực cụ thể của đất nước.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi những người sống ở vùng nông thôn Ấn Độ thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại rắn, và có nhiều khả năng bị rắn cắn nhất khi đi chân trần qua cánh đồng.

Hệ quả là họ có thể không kịp tới các bệnh viện lớn vài giờ sau khi bị cắn, và buộc phải sử dụng các biện pháp tự nhiên hoặc dân gian. Điều này khiến nhiều trường hợp bị cắt cụt các bộ phận trên cơ thể, mất tứ chi... do nọc độc của rắn.

Không chỉ vậy, theo các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Ấn Độ, phương pháp duy nhất mang lại tính ổn định là thuốc kháng nọc rắn, hiện lại đang dần trở nên ít hiệu quả.

Người Ấn Độ đối mặt vấn nạn rắn độc - 2

Vết rắn cắn không được chữa trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề (Ảnh: Popsci).

Nhiều thách thức còn tồn đọng

MV Khadilkar, đồng sáng lập công ty sản xuất thuốc chống nọc rắn Premium Serums, cho rằng việc sản xuất "vũ khí chống rắn độc" là một quá trình rất thách thức về mặt công nghệ.

Sản phẩm này được sản xuất chủ yếu thông qua việc tiêm liều lượng nhỏ nọc rắn vô hại vào ngựa, rồi tăng dần liều lượng.

Khi cơ thể ngựa tạo ra protein để phản ứng với nọc độc, được gọi là kháng thể, các nhà nghiên cứu sẽ lấy ra chúng khỏi cơ thể ngựa, và xử lý thành thuốc chống nọc độc. Tuy nhiên, phương pháp này còn gặp nhiều hạn chế do luật về động vật hoang dã và luật sản xuất thuốc tại Ấn Độ.

Được biết, có tổng cộng 7 công ty Ấn Độ chuyên sản xuất thuốc kháng nọc độc rắn theo kiểu này, với sản lượng 8 triệu lọ mỗi năm. Dẫu vậy, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, khiến cho số thuốc này hoặc là không tới được tay người dân, hoặc là không phát huy được tác dụng vốn có.

Đầu tiên, việc sản xuất thuốc kháng nọc rắn cho tất cả các vùng khác nhau của Ấn Độ là vô cùng khó khăn. Đây là bài toán trong việc sản xuất thuốc giải độc phải có giá thành phải chăng mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

"Khó khăn của sản xuất thuốc chống nọc rắn là vấn đề của người nghèo", Khadilkar cho biết. "Nó đòi hỏi nhiều sự cố gắng trong sản xuất, nhưng lợi nhuận không cao".

Người Ấn Độ đối mặt vấn nạn rắn độc - 3

Các công ty ở Ấn Độ sản xuất 8 triệu lọ thuốc kháng nọc độc mỗi năm, nhưng rất nhiều trong số này không đến được tay người dân (Ảnh: MCBT).

Bên cạnh đó theo Gnaneswar Ch, trưởng Dự án Bảo tồn rắn và Giảm thiểu vết rắn cắn, mặc dù Ấn Độ đã sản xuất đủ nọc độc từ 4 nhóm rắn độc lớn, nhưng chất kháng nọc độc không phải lúc nào cũng đến được tay những người cần chúng nhất.

Đặc biệt là ở các bệnh viện nông thôn và trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương - nơi thường xuyên ghi nhận người dân bị rắn cắn - thì nguồn dự trữ luôn thiếu hụt.

Ngay cả khi các cơ sở có thuốc kháng nọc độc, thì vẫn không thể điều trị được mọi vết rắn cắn, do sự đa dạng của loài này trong tự nhiên.

Whitaker, người đứng đầu tổ chức Sáng kiến Rắn cắn Toàn cầu, cho biết: "Vấn đề nằm ở nọc độc khác nhau giữa các loài rắn, cũng như về mặt địa lý. Nọc độc cũng thay đổi theo các mùa khác nhau, ngay cả trong từng con rắn".

Điều này dẫn tới việc thuốc kháng nọc rắn có thể không có tác dụng tốt đối với các vết cắn của cùng loài, hoặc các loài có liên quan ở các vùng khác nhau của đất nước.

Sau cùng là vấn đề về chất lượng. Thông thường, thuốc kháng nọc rắn hoạt động tốt ra sao tùy thuộc vào hiệu lực của hỗn hợp các chất sinh học, bao gồm: axit amin, carbohydrate, chất béo, axit nucleic, peptide và protein.

Tại đó, phương pháp tốt nhất để chiết xuất nọc độc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lại rất khó đạt được ở Ấn Độ, xét theo luật về động vật hoang dã và luật sản xuất thuốc hiện hành.

Quan trọng hơn, như đã đề cập, là các công ty cần phải giữ chi phí sản xuất nọc độc ở mức tối thiểu.

Điều này kết hợp với việc bảo quản và lưu trữ thuốc trong điều kiện thực tế khiến các thành phần sinh học trong thuốc bị mất đi, hoặc giảm bớt hiệu lực khi sử dụng.

Theo www.popsci.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm