Chủ nhân Nobel Vật lý: Cần chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - GS. Sir Kostya S.Novoselov - chủ nhân giải Nobel Vật lý 2010 - đã có những chia sẻ về ngành khoa học vật liệu, cũng như câu chuyện về bài toán hạ tầng cho giao thông xanh tại Việt Nam.

Chủ nhân Nobel Vật lý: Cần chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện - 1

GS. Sir Kostya S.Novoselov tham dự Tuần lễ khoa học công nghệ Vinfuture 2023 (Ảnh: BTC).

Ngày 19/12 tại Hà Nội, tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" đã diễn ra với sự tham gia của GS. Sir Kostya S.Novoselov. Ông là chủ nhân giải Nobel Vật lý 2010.

Tại sự kiện, GS. Novoselov đã có những chia sẻ về ngành khoa học vật liệu, cũng như câu chuyện về bài toán hạ tầng cho giao thông xanh tại Việt Nam.

GS. Novoselov nhấn mạnh rằng thế giới cần phải đầu tư nhiều hơn để tạo ra nguồn năng lượng xanh khi chuyển đổi từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện Ngoài ra, cũng cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn.

Chủ nhân Nobel Vật lý 2010 đánh giá, hiện tại là thời điểm sôi động trong việc phát triển vật liệu mới, và Việt Nam có thể nắm bắt thời cơ này để sản xuất ra pin nhiên liệu.

"Mặc dù đây là nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, song nó cũng vô cùng hấp dẫn", GS. Novoselov nhận định. Ông cũng cho rằng 5 năm tới là thời điểm thú vị với ngành khoa học vật liệu, khi chứng kiến sự bùng nổ các nguồn năng lượng mới, có thể thay đổi bộ mặt toàn cầu.

Song điều này cũng đặt ra cho Việt Nam nói riêng, và các quốc gia trên thế giới nói chung, những thách thức, và cần có sự chuẩn bị về nguồn lực, hạ tầng để thích ứng.

Nói về hạ tầng, GS. Daniel Kammen khẳng định Việt Nam hiện có nhiều cơ sở khoa học công nghệ tốt, có thể nắm bắt cuộc đua khoa học vật liệu. Dẫu vậy theo ông, cần tạo ra sự chuyển dịch đảm bảo công bằng, khi yếu tố này cần được lồng ghép vào quá trình chuyển đổi.

Thí dụ như khi phát triển xe điện, giao thông xanh, thì yếu tố quan trọng nhất nắm giữ sự thành công là hệ thống trạm sạc.

Chủ nhân Nobel Vật lý: Cần chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện - 2

Hệ thống trạm sạc đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi sang giao thông xanh (Ảnh: VinFast).

"Trạm sạc có đáp ứng được công nghệ mới, công suất pin lớn không? Pin tích hợp trên xe điện có thể đi 100.000 dặm không... Rõ ràng, để thành nhà vô địch trong khoa học thì cần nghĩ nhiều hơn", GS. Novoselov chia sẻ quan điểm.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hiện trên thế giới, các tập đoàn lớn về giao thông xanh đều đang sử dụng các giải pháp liên quan AI, học máy, bigdata... để giải bài toán của riêng từng quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Tại sự kiện, GS. Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture, cũng có những chia sẻ dưới góc nhìn của Việt Nam trước cơ hội phát triển nguồn năng lượng xanh.

Theo GS. Quyên, ở Việt Nam hiện có nhiều thách thức trong lĩnh vực này. Để giải quyết chúng, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng chế, phát minh.

GS. Quyên chỉ ra một rào cản với sáng chế ở Việt Nam, là có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, khả năng vận chuyển, lắp đặt ở quy mô lớn.

Do đó, việc thuyết phục các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch được xem là một mục tiêu quan trọng.

Ông Akihisa Kakimoto, Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn hóa chất Mitsubishi, cho rằng cần xây dựng một hệ sinh thái hợp lực của các doanh nghiệp. Tại đó, người trẻ sẽ là "hạt nhân" đóng vai trò tích cực, vì theo ông Kakimoto, người trẻ nghĩ nhiều hơn về môi trường và hệ sinh thái bền vững.

"Hãy để người trẻ khởi nghiệp, để tính sáng tạo và nhiệt huyết của họ tạo ra sự thay đổi", chuyên gia người Nhật cho biết.