Trẻ lớp 1 học trực tuyến: Có thể học viết chậm hơn, không nên quá nôn nóng
(Dân trí) - Trong hoàn cảnh dịch dã phức tạp, trường học có thể dạy phát âm, dạy đọc trước rồi dạy viết chữ sau. Học sinh có thể biết viết chậm hơn nhưng gia đình không nên quá nôn nóng.
Trên đây là ý kiến của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, về việc có nên cho học sinh lớp 1 học trực tuyến hay không.
Trước những luồng dư luận trái chiều về việc nên cho học sinh lớp 1 học trực tuyến như thế nào trong năm học mới, PV Dân trí đã có trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
+ Thưa PGS, hiện nay nhiều phụ huynh đang rất lo lắng về việc có nên cho học sinh lớp 1 học trực tuyến hay không. Quan điểm của bà ra sao?
Tôi cho rằng, việc học trực tuyến là xu hướng của thời đại, nó mở ra cơ hội trải nghiệm học tập mới cho người học và không phải là giải pháp tình thế riêng trong thời gian giãn cách xã hội như hiện nay.
Tuy nhiên, với trẻ em nhỏ tuổi, như học sinh lớp 1, việc học trực tuyến trong điều kiện chưa đầy đủ cả về mặt vật chất, tâm thế là điều để chúng ta đáng lo lắng.
Trong thời điểm xã hội đang biến động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em không thể đến trường, việc cố gắng để duy trì hoạt động kết nối, giao lưu, học tập cho các em bằng học trực tuyến là cần thiết, trở thành giải pháp có thể chấp nhận được trên diện rộng, dù chưa hoàn hảo.
+ Nhiều người cho rằng, trẻ lớp 1 chưa biết đọc biết viết, làm sao để học trực tuyến. Theo bà, ý kiến này liệu có xác đáng?
Nhiều trẻ em hiện nay đã làm quen với việc học trực tuyến từ khi còn bé. Tôi cho rằng, học sinh lớp 1 có thể học trực tuyến theo cách phù hợp nhưng phải có những điều kiện cần và đủ nhất định như đường truyền, thiết bị dạy học, bài học của thầy cô có hấp dẫn không… và đủ tương tác hay không…
Thứ nữa là vấn đề sức khỏe của học sinh cũng rất quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe cho các em, nhà trường dạy học online nói chung và dạy cho trẻ lớp 1 nói riêng, không thể bê nguyên chương trình ở lớp sang trực tuyến mà cần tiết chế thời gian, thời lượng cho đảm bảo hơn.
Theo một số nghiên cứu của chúng tôi, không nên để học sinh lớp 1 tương tác liên tục 2 giờ đồng hồ trên máy tính hoặc điện thoại. Tốt nhất nên sử dụng màn hình lớn như máy tính, xen kẽ các hoạt động vận động nếu không sẽ ảnh hưởng đến mắt và cột sống của trẻ.
+ Hiện điều kiện cơ bản để học trực tuyến cho học sinh nói chung và lớp 1 nói riêng đang có sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn. Làm thế nào để tất cả các học sinh lớp 1 đều học trực tuyến hiệu quả mà không có em nào bị bỏ lại phía sau, thưa bà?
Trong bất cứ trường hợp nào, một khi đã có biến động xã hội, không thể có phương án tuyệt đối. Sự phân hóa không chỉ xảy ra ở thành thị và nông thôn, nó nằm trong điều kiện của từng gia đình, của từng đứa trẻ.
Việc học trực tuyến cũng vậy, chắc chắn sẽ không thể có phương án nào tối ưu vì điều kiện mặt bằng chung các gia đình hiện chưa tương đương nhau, kĩ năng chuẩn bị cho học trực tuyến của mỗi trẻ em cũng khác nhau.
Do đó, chúng ta phải chấp nhận và chọn cách thức phù hợp nhất chứ không thể nói hoàn hảo nhất trong điều kiện biến động xã hội.
Tôi có quan sát, và thấy sự nỗ lực của nhiều nhà trường, khi họ khảo sát từng gia đình, từng học sinh, và tìm phương án: cho mượn máy, san sẻ nguồn lực, … để đảm bảo các em trong trường đều có cơ hội học tập.
Lúc này đây, chúng ta phải cố gắng, đồng lòng để hiện thực hóa điều mà chúng ta cam kết với các em "không có em nào bị bỏ lại phía sau", toàn dân chăm lo cho giáo dục.
+ Theo nhiều ý kiến trên mạng xã hội, nên chăng Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn riêng về việc dạy trực tuyến cho đối tượng học sinh lớp 1,2. Quan điểm của bà như thế nào?
Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn và chỉ đạo dạy/học trực tuyến, về xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường. Trong bối cảnh biến động, mỗi địa phương đều có hoàn cảnh xã hội riêng, do đó rất cần sự thực hiện sát với thực tiễn. Nên các địa phương cần thực thi tốt trách nhiệm, quyền hạn của mình, để có thể có những giải pháp kịp thời, phù hợp.
Qua đó, các nhà trường có thể tham chiếu xem điều kiện dạy/học trực tuyến của mình ra sao.
Trong thời điểm dịch bệnh ở nhiều địa phương kéo dài, một số nơi giãn cách nhiều đợt, ngoài thu nhận kiến thức, việc học trực tuyến còn là nhu cầu tương tác giữa học trò với thầy cô và với bạn bè. Chúng ta nên tiếp cận việc học của trẻ theo nghĩa rộng như vậy.
Việc học này vừa là quyền lợi, vừa giúp học sinh cân bằng tâm lý, duy trì trạng thái bình thường cho các em trong những ngày dịch bệnh.
Đặc biệt, các địa phương có thể chủ động, linh hoạt quyết định phương án dạy học ra sao, không nên bắt buộc Bộ GD-ĐT phải ra những quy định "bao trùm " lên tất cả các địa phương bằng một quy định "cứng".
+ Một số nhà trường hiện đang lên phương án dạy Toán và Tập đọc cho học sinh lớp 1. Sau khi học trực tiếp, trường sẽ tập trung dạy viết cho các em để đảm bảo hơn. Là nhà khoa học về giáo dục, bà thấy cách thức này có nên thực hiện?
Liên quan đến việc xây dựng chương trình dạy học của mỗi nhà trường, các thầy cô trực tiếp dạy sẽ ra quyết định nên dạy gì cho trẻ phù hợp. Chúng ta nên ưu tiên tổ chức các hoạt động dạy học đơn giản, tập trung vào nghe, nói, đọc, tương tác với bạn, với thầy cô, …
Trong giai đoạn học trực tuyến của lớp 1 này, môn Toán, tập trung các kĩ năng tư duy, khám phá, để trẻ phát hiện ra các quan hệ, kiến thức toán, chứ không nên quá tập trung vào luyện tập, thực hành tính toán; môn Tiếng Việt thì tập trung cho Tập đọc, rèn kĩ năng nghe cho trẻ là hợp lí.
Thông thường trẻ lớp 1 đến trường, thầy cô nắn từng nét bút nhưng bây giờ trạng thái xã hội ở nhiều tỉnh thành đang giãn cách do dịch Covid-19, trường học cũng cần biết để điều chỉnh, cân đối chương trình, không nhất thiết chúng ta bắt đầu với kĩ năng viết trước như trước đây.
Chúng ta sẽ đạt được điều đó khi mọi thứ trở lại bình thường. Trong dạy học trực tuyến, chúng ta vẫn giúp trẻ tập đọc, tập nói, … dễ dàng.
Do vậy, trong hoàn cảnh dịch dã phức tạp, các trường cũng có thể dạy phát âm, dạy đọc trước rồi dạy viết chữ sau. Việc viết chữ có thể chậm hơn, thầy cô có thể điều chỉnh, các nhà trường không nhất thiết áp dụng thời khóa biểu một cách cứng nhắc.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!