TPHCM chi 36 tỷ đồng để “đào tạo lại” giáo viên mầm non

(Dân trí) - Trong năm học 2016-2017, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí MInh chi 36 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập nhằm đảm bảo giáo viên đạt chuẩn.

Thông tin trên được đề cập tại Hội nghị chuẩn bị công tác năm học mới 2016-2017 UBMTTQ Việt Nam và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 18/8.

Quang cảnh Hội nghị chuẩn bị công tác năm học mới 2016-2017 của UBMTTQ Việt Nam và Sở GD-ĐT TPHCM
Quang cảnh Hội nghị chuẩn bị công tác năm học mới 2016-2017 của UBMTTQ Việt Nam và Sở GD-ĐT TPHCM

Không thể tuyển giáo viên không đủ chuẩn rồi bỏ tiền đào tạo lại

Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trường mầm non ngoài công lập là một nhu cầu thực tế khi trường công không đáp ứng nổi, nhiều nơi trường tư chiếm hơn một nửa. Trong khi trường mầm non ngoài công lập phải đối diện với hai vấn đề cơ sở vật chất rất khó đảm bảo và nhiều giáo viên làm việc chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ, do vậy dễ xảy ra việc giáo viên bạo hành trẻ.

TPHCM sẽ chi 36 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập
TPHCM sẽ chi 36 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM năm học 2016-2017, TP.HCM có gần 747.000 trẻ mầm non, tăng 11.600 trẻ so với năm học trước. Trong đó có một số quận huyện tăng mạnh như quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Bình Chánh... Và để đáp ứng nhu cầu chỗ giữ trẻ, thành phố có thêm gần 750 phòng học mới cho bậc học này.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, Phó giám đốc Lê Hoài Nam cho hay trong năm học 2016-2017, giáo dục thành phố chi 36 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập. Sở cũng đã làm việc, hợp tác với các trường có đào tạo sư phạm mầm non để làm sao nâng cao cả về số lượng và chất lượng giáo viên ra trường…

Trước thông tin này, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM đặt câu hỏi năm nay là vậy còn các năm sau rồi năm sau nữa sẽ là bao nhiêu? Đây chỉ là giải pháp trước mắt, việc ngành giáo dục cần làm là phải có một kế hoạch dài hơi, điều chỉnh việc đào tạo sao cho đảm bảo chất lượng khi tuyển vào. Chứ không thể cứ tuyển người không đủ trình độ, không đủ chuẩn rồi lại đổ tiền vào để đào tạo và bồi dưỡng.

Con trẻ thiếu nền tảng nề nếp

Bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong TPHCM bày tỏ chúng ta hiện đang rất quan tâm đến việc giáo dục kiến thức và chú trọng đến việc phát triển thể lực của thế hệ trẻ. Nhưng thứ đang xuống cấp trầm trọng là đạo đức của học sinh thì gần như vẫn đang bị bỏ ngỏ trong khi rất cần những giải pháp cụ thể.

Bà Đoàn Thị Thanh Xuân cho rằng con trẻ không biết, không hiểu về lịch sử dân tộc là mối nguy của đất nước
Bà Đoàn Thị Thanh Xuân cho rằng con trẻ không biết, không hiểu về lịch sử dân tộc là mối nguy của đất nước

Bà Xuân boăn khoăn, nhiều bạn trẻ bây giờ không biết, không hiểu về lịch sử dân tộc đây là một mối nguy của đất nước. Con trẻ phải hiểu biết, hiểu rõ về lịch sử cha ông thì mới có thể tự hào, có lòng yêu Tổ quốc với sự sâu sắc, chân thành.

Bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ, xem những clip bạo lực học đường mà chua xót vô cùng. Không thể nào hiểu nổi các em ra tay đánh bạn hay nhìn bạn bị đánh lại có thể vui vẻ và vui sướng rồi quay lại như vậy.

“Bây giờ gặp đám tang nhiều bạn trẻ vẫn có thể cười đùa bình thường. Đạo đức phải là những việc cụ thể. Những nề nếp cần thiết để phát triển một con người chúng ta đã không giữ được. Giáo dục cần khôi phục những nền tảng, nề nếp cơ bản đối với một con người”, bà Khánh nói.

Ông Lê Hoài Nam nói thêm, năm học này, ngành sẽ chú trọng giảm tải kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng đến công tác giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất, đạo đức để học sinh phát triển toàn diện.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm