Thanh tra Chính phủ đề nghị Thanh Hóa xử lý sai phạm tuyển dụng, bổ nhiệm giáo viên
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị tỉnh Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi chưa có biện pháp chấn chỉnh kịp thời trong việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động tại các đơn vị cấp huyện.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Công thương và một số UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi chưa có biện pháp chấn chỉnh kịp thời trong việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động tại các đơn vị cấp huyện.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong thời gian dài, từ trước năm 2011 đến 2015, các đơn vị cấp huyện tại Thanh Hóa bổ nhiệm thừa số lượng lớn cán bộ quản lý trường học; hợp đồng với giáo viên thừa nhiều so với chỉ tiêu được giao, nhiều đơn vị thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn; số lượng giáo viên thừa, thiếu nhiều nhưng chưa được xử lý triệt để.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi không kịp thời sửa đổi, thay thế Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 về quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ công chức. Trong đó, phân cấp triệt để nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến xảy ra sai phạm tại nhiều đơn vị cấp huyện trong thời gian dài không có biện pháp xử lý.
Căn cứ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ và báo cáo kết quả thanh tra số 4202/BC-SGDĐT ngày 8/12/2015 của Sở GD-ĐT, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc bổ nhiệm thừa cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; hợp đồng giáo viên thừa so với nhu cầu.
Yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động.
Có phương án cụ thể giải quyết số hợp đồng dôi dư tại các đơn vị cấp huyện; tránh trường hợp trong thời gian ngắn, chấm dứt số lượng lớn hợp đồng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên, tạo dư luận không tốt trong xã hội; giải quyết số giáo viên, nhân viên thừa tại các cơ sở giáo dục bậc Tiểu học và THCS.
Đồng thời, dừng việc điều động giáo viên bậc THCS và Tiểu học xuống dạy Mầm non, giáo viên THCS xuống dạy Tiểu học khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; giải quyết số cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục thừa số lượng so với quy định.
Chấn chỉnh công tác điều động viên chức đối với UBND cấp huyện. Thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức đối với những viên chức đã được điều động về làm việc tại các Phòng GD-ĐT, đảm bảo quyền lợi, chế độ của viên chức.
Kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị chấn chỉnh đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và các trường Đại học trong việc hợp đồng với giáo viên chưa đúng thời gian theo quy định.
Đề nghị Sở GD-ĐT Thanh Hóa chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ GD-ĐT.
Trước đó, đầu năm học 2016 - 2017, nhiều địa phương tại tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh lý hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng khiến cho ngành giáo dục gặp không ít khó khăn, xáo trộn. Hiện nay, thực trạng thừa, thiếu giáo viên tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Duy Tuyên