Năm 2016, ĐHQG Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực nhiều đợt

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc kì thi đánh giá năng lực đợt 2, ông Nguyễn Kim Sơn -Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết: Năm 2016, ĐHQGHN tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển các trường thành viên và sẽ tổ chức thi nhiều đợt.

Kì thi được đánh giá là thành công

Chiều 6/8, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức họp báo kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2015, lấy kết quả xét tuyển các trường thành viên. Phó giám đốc ĐHQGHN, ông Nguyễn Kim Sơn cho hay, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 có gần 17.000 thí sinh đăng ký dự thi, 63,9% em đến dự thi. Không có thí sinh nào bị kỷ luật, chỉ có 4 trường hợp phải chuyển ca thi, không có em nào ốm đau bất thường.

“Nếu làm phép so sánh, chúng ta sẽ thấy đợt 1 có 119 thí sinh chuyển ca thì đợt 2 chỉ có 4 em. Có được kết quả này là nhờ cảnh báo từ giáo viên và hệ thống cảnh báo trên phần mềm. Không có sự cố bất thường, tác động rủi ro từ thời tiết, thiên tai. Kỳ thi đã diễn ra đúng kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra. Những kinh nghiệm rút ra từ đợt 1 tỏ ra rất hiệu quả ở đợt 2” - ông Sơn nhấn mạnh.

nks-959f5
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

 

Cũng theo ông Nguyễn Kim Sơn, nhìn về hai kỳ thi, có thể nói việc thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực đã thành công, đạt được các mục tiêu mà ĐHQGHN đặt ra đó là muốn đưa ra cho xã hội một hướng đi mới là tuyển sinh bằng đánh giá năng lực. Qua hai đợt thi đã khẳng định được cách thức mà ĐHQGHN triển khai cho thấy bước đầu đã thành công. Về mặt phương diện khác như bộ đề, phần mềm, quy trình, qua hai đợt thi đã khẳng định bước chuẩn bị đã thu kết quả tốt. Các mục tiêu về đo lường đánh giá đã đạt được. Kỳ thi cũng thể hiện năng lực, trình độ khoa học về kiểm tra đánh giá của ĐHQGHN đã nâng lên một bước. Xã hội đã biết đến phương thức thi mới và tin tưởng vào ĐHQGHN

Qua cả hai đợt thi, phần mềm kỹ thuật đã được vận hành một cách chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng vì đây không chỉ là một đợt thử nghiệm, mà tiền đề để đưa vào vận hành lâu dài. Trong kiểm tra đánh giá đo lường, tính ổn định rất quan trọng đem lại sự chính xác, công bằng cho thí sinh. Kỳ thi đã thể hiện được ưu điểm như hạn chế được tiêu cực trong thi cử với số lượng vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật rất ít. Kết quả đánh giá khách quan, chính xác và tin cậy, hạn chế việc học lệch. Thí sinh cũng đã thích ứng tốt với công nghệ khảo thí hiện đại.

“Qua kết quả mà ĐHQGHN đã làm được cho thấy, tổ chức một kỳ thi trên nền tảng công nghệ cao không phải một việc quá khó mà hoàn toàn có thể làm được” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay các trường thành viên đang gọi thí sinh nhập học, sau khoảng 2 ngày gọi thí sinh thì các đại học thành viên sẽ công bố chính xác chỉ tiêu còn lại trong đợt 2 cho từng ngành. Nhưng điều kiện để được nộp đơn ứng tuyển sẽ khác nhau ở các chương trình đào tạo nhưng theo nguyên tắc bằng hoặc cao hơn so với điểm chuẩn đợt đầu tiên.

Thời gian đăng ký xét tuyển đợt 2 vào các trường thành viên của ĐHQGHN bắt đầu từ ngày 10/8 đến 16h30 ngày 25/8. Thí sinh đăng ký theo một trong hai hình thức: Gửi qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp cho Hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo có nguyện vọng học. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên. Hội đồng tuyển sinh công bố công khai các thông tin liên quan đến đăng ký của thí sinh, xét tuyển của đơn vị đào tạo; cập nhật 3 ngày một lần trên website của đơn vị đào tạo, trong đó danh sách thí sinh và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Sẵn sàng công bố bất cập để điều chỉnh

Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc có thể xảy ra hiện tượng thí sinh đăng ký dự thi cả hai đợt nhưng kết quả có độ “vênh” khá lớn thì ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá như thế nào?

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Sau đây ĐHQGHN sẽ tổ chức khảo sát điểm thi của thí sinh tham gia cả hai đợt thi, nếu số lượng thí sinh đăng ký dự thi cả hai đợt mà kết quả lại có “độ vênh” lớn thì sẽ xem xét lại, còn chỉ có vài em thì không đáng lo, vì đó chỉ có thể do lí do sức khoẻ.

“Qua thống kê sơ bộ thì chưa thấy độ vênh lớn. Vài ngày tới, ĐHQGHN sẵn sàng công bố chi tiết về mức điểm của thí sinh dự thi cả hai đợt để qua đó đánh giá cũng như nhận ý kiến đóng góp để cho kì thi tốt hơn” - ông Sơn bày tỏ.

20150801144523-dhqg1-a9e0c
Năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục thi đánh giá năng lực với số đợt tăng lên

Sau kì thi năm này, ĐHQGHN có lo ngại xuất hiện những dịch vụ ôn luyên, học tủ đối với các đề thi đánh giá năng lực?

“Nếu như có những nơi tổ chức luyện thi đánh giá năng lực thì ĐHQGHN không thể cấm, chỉ có thể khuyến cáo học sinh, là nhân viên ĐHQGHN không được tổ chức luyện thi. Bất kì đơn vị nào gắn mác ĐHQGHN để ôn luyện là không đúng. ĐHQGHN chỉ công bố đề thi mẫu, thí sinh chỉ cần ôn luyện đề mẫu là được. Còn ngân hàng đề thi ĐH quốc gia thay đổi liên tục nên không đáng lo lắng” – Phó giám đốc ĐHQGHN chia sẻ.

Tiết lộ về hướng kì thi đánh giá năng lực năm 2016, ông Nguyễn Kim Sơn cho hay: Những yếu tố quan trọng có tính định hướng sẽ được giữ ổn định như thời gian thi 195 phút, 140 câu. ĐHQGHN cũng tính đến việc chia hệ số nhất định cho các câu hỏi thay vì mỗi câu 1 điểm như hiện nay. Nhưng việc này sẽ tính toán kỹ hơn trong tương lai.

Năm 2016 sẽ có nhiều hơn 2 đợt thi đánh giá năng lực. Việc có bao cụ thể bao nhiêu đợt thì thời điểm này chưa thể biết được mà còn chờ đợi ý kiến của Bộ GD-ĐT. Một số đại học khác có nguyện vọng muốn sử dụng hình thức thi này thì ĐHQGHN sẵn sàng chia sẻ.

Phó giám đốc ĐHQGHN cho biết sẽ có hàng nghìn câu hỏi được bổ sung cho ngân hàng đề thi. Trong năm 2015 số lượng câu hỏi trong ngân hàng là 4.000. ĐHQGHN sẽ cố gắng ra bộ đề nguồn phát triển nhanh hơn để phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời sẽ cân nhắc ra những câu hỏi thí sinh dùng kiến thức sách giáo khoa nhưng vận dụng vào thực tiễn. Những bài toán khó không phải đánh đố mà đòi hỏi năng lực tư duy.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)