Hà Nội: “Siết” thanh tra thi THPT quốc gia sau sự cố “lọt đề” kì thi lớp 10

(Dân trí) - “Việc lọt đề trong kỳ thi lớp 10 THPT vừa qua là hi hữu và rất đáng tiếc của ngành giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng tới sự nỗ lực cố gắng của hơn 10 nghìn cán bộ làm công tác phục vụ kì thi. Rút kinh nghiệm sự việc này, Hà Nội “siết” chặt hơn nữa kỉ luật giám sát kỳ thi THPT quốc gia 2018”.

Tạo điều kiện tốt cho thí sinh, khó khăn để cán bộ coi thi

Tại hội nghị triển khai công tác coi thi THPT quốc gia 2018 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 22/6, Sở này cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2018, thành phố có 123 điểm thi, với gần 80.000 thí sinh dự thi.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đến thời điểm này, các đoàn kiểm tra của thành phố đã thanh tra và xét đủ các điều kiện cơ bản để tiến hành kì thi.

"Nới" quy định cho phóng viên tác nghiệp kì thi

Theo quy định năm ngoái, ngoài thẻ tác nghiệp của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phải theo quy định riêng của địa phương.

Năm nay, theo ông Chử Xuân Dũng, phóng viên có thẻ của Bộ GD&ĐT hoặc có giấy giới thiệu của Sở GD&ĐT, các điểm thi phải có trách nhiệm tiếp hoặc phải cho biết phóng viên phải chờ trong bao lâu. Nếu chưa tiếp được, cũng cần cho người đến thông báo phóng viên sẽ phải chờ trong bao lâu nữa.

Đồng thời, cũng yêu cầu các đơn vị kiện toàn các điều kiện để tiến hành tốt hơn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, chẳng hạn thay bộ bàn ghế nào còn thấp, đúng quy cách, bổ sung và nâng cấp các thiết bị tốt hơn… với mong muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh còn cái khó khăn nhất thì dành cho cán bộ coi thi.

Trả lời PV Dân trí về sự việc lọt đề trong kỳ thi lớp 10 THPT vừa qua, ông Dũng cho rằng, đây là sự việc hi hữu rất đáng tiếc của ngành giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng đến sự nỗ lực cố gắng của hơn 10 nghìn cán bộ làm công tác phục vụ kì thi.

Theo ông Dũng, trước hết đó là trách nhiệm của thầy giáo Nông Hoàng Phúc, ý thức rất yếu và thiếu trách nhiệm làm ảnh hưởng đến kỳ thi, để lại bao tâm tư cho người dân. Bên cạnh đó, cũng là trách nhiệm của giám thị cùng phòng thiếu trách nhiệm khi giám sát đồng nghiệp cùng phòng.

Tất nhiên khi thực hiện việc này, giáo viên Phúc đã cảnh giác với người xung quanh nên khó phát hiện. Do vậy, kì thi lần này, các giám thị phải nâng cao trách nhiệm, không chỉ giám sát thí sinh mà còn giám sát lẫn nhau giữa các cán bộ coi thi. Khi có sự cố xảy ra, sẽ bị truy cứu đến cùng.

Ông Dũng cho hay, sau sự việc của thầy Phúc, cả giám thị coi thi cùng phòng cũng bị kỉ luật vì thiếu trách nhiệm. Thậm chí hiệu trưởng cũng bị xem xét trách nhiệm kỉ luật.

“Tôi nghĩ mỗi thí sinh chính là một cán bộ coi thi. Đồng thời, ở tại các điểm thi, ngoài giám thị là giáo viên phổ thông còn có cả giáo viên đại học nên tôi hy vọng sự phối hợp này giúp kì thi an toàn nghiêm túc.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm sự việc này, chúng tôi đã yêu cầu các lãnh đạo các điểm thi tập huấn nghiêm túc tới các cán bộ, tăng cường đội ngũ thanh tra, giám sát theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.


Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với phóng viên trước kì thi THPT quốc gia 2018.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với phóng viên trước kì thi THPT quốc gia 2018.

Tôi còn nhớ một chuyện của năm ngoái, giám thị nhầm mã đề của thí sinh nhưng thao tác chậm, làm ảnh hưởng đến thí sinh. Việc đó, phụ huynh học sinh kiện tụng lên xuống đến 3 tháng sau mới giải quyết xong. Do đó, mỗi sự việc của giám thị làm không chỉ ảnh hưởng đến một giám thị mà ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục, ảnh hưởng đến cả nước. Chúng tôi không muốn sau kì thi là giải trình, là giải thích… rất mệt mỏi. Vì thế Hà Nội sẽ làm nghiêm túc, tạo niềm tin cho cha mẹ học sinh và cả nhân dân.

Kỳ thi vừa qua, một giáo viên do thiếu ý thức làm lọt đề đã làm ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục cả nước chứ không riêng Hà Nội. Người dân bàn tán, mất niềm tin… do đó rất ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người làm công tác thi. Vì thế tôi mong muốn các giám thị làm hết trách nhiệm nhưng cần bảo vệ danh dự của chính bản thân”, ông Dũng cho biết.

“Nóng” bên ngoài nhưng chưa chắc “nóng” bên trong

Về phía UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra lần cuối cùng về công tác cơ sở vật chất trong ngày hôm nay (22/6) phải hoàn toàn hoàn thành.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Chử Xuân Dũng cho hay: “Hà Nội khẳng định coi thi nghiêm túc trên mọi phương diện, không có chuyện coi lỏng coi chặt. Trước đây, khi Bộ GD&ĐT chưa yêu cầu trộn thí sinh, tráo giáo viên thì trong kì thi THPT vào lớp 10, Hà Nội đã thực hiện việc đó. Chúng tôi làm vì ý thức trách nhiệm chứ không vì thành tích hoặc đua kết quả.

Công tác coi thi THPT không phải thời điểm này Hà Nội mới làm nghiêm túc mà trong các kì thi trước, Hà Nội rất coi trọng với mong muốn để kì thi đảm bảo chất lượng.

Do đó, chúng tôi cũng mong muốn các tỉnh thành khác, các thầy cô giáo, các em học sinh nghiêm túc để tạo dư luận chung trong cả nước, không vì một ai đó làm ảnh hưởng đến kì thi chung”.

Hà Nội khẳng định coi thi nghiêm túc trên mọi phương diện, không có chuyện coi lỏng coi chặt. (Ảnh minh họa)
Hà Nội khẳng định coi thi nghiêm túc trên mọi phương diện, không có chuyện coi lỏng coi chặt. (Ảnh minh họa)

Trong những ngày cận thi, an ninh trường học phải đảm bảo. Cổng trường phải luôn đóng. Những ai không có trách nhiệm không được vào trường thi.

Trao đổi về quy định của Công an Thành phố Hà Nội về việc phải đóng cửa các điểm photocoppy trước cửa các trường học, ông Dũng cho rằng, đó là việc hạn chế sao chép tài liệu, làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, giúp các hội đồng coi thi.

Chia sẻ với PV Dân trí về việc trước đó, phóng viên đã vào vai người đi thi để mua phao rất dễ. Các cửa hàng pho to giấu tài liệu trong hộc tủ và sẵn “hàng” bất cứ lúc nào nhưng tại sao các cơ quan chức năng không biết điều đó để ngăn cấm?

Ông Dũng cho biết, “phao thi” cũng là một tài liệu tham khảo, họ bán khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc bán tài liệu và sử dụng tài liệu bên trong được hay không là chuyện khác. Bên ngoài nóng nhưng bên trong nghiêm túc không liên quan đến nhau. Do đó phụ huynh và học sinh không nên hoang mang.

Mỹ Hà