Bộ Giáo dục lên tiếng về "câu thơ tranh cãi" đề thi Văn THPT quốc gia 2016

(Dân trí) - Theo một số giáo viên Ngữ Văn, đề thi THPT quốc gia môn Văn sáng 2/7 có phần trích đoạn trong bài thơ của Lưu Quang Vũ gây băn khoăn. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, câu thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đã được đưa trong đề thi là: “Ôi tiếng Việt như đất bùn và như lụa”. Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về điều này.

Theo như đề thi Ngữ Văn sáng nay, ở phần đọc hiểu (3 điểm), cho đoạn trích bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ dưới đây:

... “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”...

Đề thi yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi. Trong đó, câu hỏi 1: “Sự mượt mà và tinh tế của Tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất”?

Trang 218 cuốn thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp
Trang 218 cuốn thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp

Ngay sau khi đề thi được đăng tải trên mạng, nhiều giáo viên Văn có uy tín cho biết, theo văn bản mà giáo viên vẫn giảng dạy lâu nay, khổ thơ được đưa vào đề thi trên đây không giống với văn bản mà họ tiếp cận lâu nay. Theo đó, văn bản đúng phải là:

... “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”...

Trao đổi với PV Dân trí, tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội), theo như văn bản mà cô vẫn dạy học trò mình lâu nay, trích câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất bùn như lụa” là không giống.

Theo đó, trong cuốn sách của nhà thơ Lưu Quang Vũ hiện cô đang có, câu thơ trên phải là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

“Đây là một bài thơ hay và nổi tiếng của nhà thơ Lưu Quang Vũ, bản thân cô cũng còn giữ cuốn sách có bài thơ này của ông nên cô nhớ rất rõ.

Trang bìa cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp
Trang bìa cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp

Không ảnh hưởng đến kết quả bài thi

Thạc sĩ Văn học Phạm Hữu Cường, người có thâm niên 20 năm giảng dạy môn Ngữ Văn cũng cho rằng, câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” không giống với các văn bản mà thầy đã tiếp cận lâu nay.

Theo thầy Cường, việc lệch từ này không ảnh hưởng đến bài làm của thí sinh.

Ngoài ra, theo chia sẻ của một giáo viên Văn ở một Trường THPT chuyên tại Hà Nội, cô cũng rất bất ngờ khi thấy trích đoạn trong bài thơ nổi tiếng của Lưu Quang Vũ có độ lệch như vậy trong đề thi.

Bản thân văn bản mà cô đang có trong tay, cũng như sau nhiều lần cho học sinh thực hiện đề thi có trích đoạn của bài thơ này, tài liệu đều ghi chép là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Việc thay đổi như trong đề thi khiến cô băn khoăn bởi ít nhiều có ảnh hưởng tới hình ảnh của câu thơ.

Thí sinh sau giờ thi môn Văn tại Hà Nội (ảnh: Mai Châm)
Thí sinh sau giờ thi môn Văn tại Hà Nội (ảnh: Mai Châm)

Sau khi có các ý kiến tranh luận của giáo viên về việc trích dẫn này, tối ngày 2/7, Bộ GD&ĐT trả lời: Về nội dung Phần đọc hiểu: Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).

Nội dung trích dẫn:

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn)

Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã gửi cả ảnh cuốn sách, chứng minh trích dẫn trên là đúng.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm