1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bằng giả trong giới nổi tiếng Hàn Quốc

Sau khi hàng loạt nhân vật nổi tiếng bị vạch trần, người ta mới giật mình nhận ra rằng việc sử dụng bằng giả ở xứ Hàn đang trở thành một xu hướng nguy hiểm.

Shin Jeong-ah, 35 tuổi, từng là một trợ lý giáo sư môn lịch sử nghệ thuật tại Đại học Dongguk và là đồng Chủ tịch trẻ nhất của Gwangju Biennale, Hội chợ mỹ thuật lớn nhất ở Hàn Quốc. Shin có biệt danh "nàng công chúa lọ lem của thế giới mỹ thuật" vì sự vươn lên bất ngờ, từ khởi đầu đầy khiêm tốn lên vị trí danh giá trong làng nghệ thuật nước này.

 

Tuy nhiên, mọi thứ đổ vỡ khi người ta phát hiện cô này đã sử dụng bằng giả để thăng tiến nhanh chóng trong nghề nghiệp. Đại học Dongguk tuyên bố vị giáo sư trẻ đã giả mạo bằng tiến sĩ của Đại học Yale và bằng thạc sĩ của Đại học Kansas (Mỹ) để được nhận vào trường từ năm 2005.

 

Luận án tiến sĩ mà cô này cung cấp cho trường Donggkuk, có tựa đề "Guillaume Apollinaire: Catalyst for primitivism", được "đạo" từ luận án của một nghiên cứu sinh tại Đại học Virginia vào năm 1981. Đại học Yale vừa gửi thư phúc đáp cho Đại học Dongguk, cho biết chưa bao giờ cấp bằng tiến sĩ cho Shin và cũng chẳng có sinh viên nào tên Shin Jeong-ah. Sau đó, Đại học Kansas thông báo Shin từng học tại trường từ năm 1992 đến 1996 nhưng chưa bao giờ tốt nghiệp.

 

Tại một quốc gia mà những chuyện bê bối có liên quan đến các nhà tư bản đầy quyền lực hoặc chính trị gia cứ nhan nhản trên báo chí, vụ việc của Shin Jeong-ah quả là chấn động, thu hút sự quan tâm hết mức từ giới truyền thông và dư luận. Cái tên Shin Jeong-ah trở thành từ khóa được truy cập nhiều nhất trên Naver, công cụ tìm kiếm trên Internet phổ biến nhất nước Hàn.

 

Các phóng viên báo đài luôn dõi theo từng sự kiện nhỏ có liên quan đến Shin. Còn những nhà bình luận Hàn Quốc bắt đầu gọi cô là "Hwang Woo-suk nữ" (Hwang Woo-suk là nhà khoa học giả mạo công trình nghiên cứu tế bào gốc trước đây). Hội chợ mỹ thuật Gwangju Biennale lập tức sa thải cô này khỏi vị trí danh dự và kiện cô ra tòa.

 

Sau sự kiện này, nhiều người nổi tiếng khác đã bắt đầu tự thú trước dư luận với tội lỗi tương tự. Nhà viết truyện tranh nổi tiếng Lee Hyeon-se, 51 tuổi, thú nhận rằng ông đã nói dối khi phủ nhận chuyện mình từng rớt đại học. Thực tế là Lee chưa bao giờ tốt nghiệp một đại học mỹ thuật nào cả và cảm giác tội lỗi cứ đeo bám ông suốt 25 năm qua. Hiện ông Lee là giáo sư tại Đại học Sejong và là Chủ tịch của Hiệp hội nhà viết truyện tranh Hàn Quốc.

 

Một trường hợp khai man khác là phát thanh viên nổi tiếng Lee Ji-young, 38 tuổi. Cô đã phải chia tay chương trình dạy Anh ngữ qua sóng phát thanh kéo dài suốt 8 năm qua tại Đài KBS sau khi bị phát hiện sử dụng bằng đại học giả. Trước khi từ chức, Lee Ji-young cho biết đã tốt nghiệp Đại học Brighton (Anh) và đang học tiếp để lấy bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, sự thật là cô này đã tốt nghiệp một trường trung học tại Gwangyang, tỉnh Nam Jolla. Khi đến Anh, Lee chỉ lấy chứng chỉ Anh ngữ tại viện ngôn ngữ trong vòng 1 năm. Lee Ji-young từng được KBS vinh danh là nhà dẫn chương trình xuất sắc nhất năm 2004.

 

Sự vươn lên và sụp đổ của Shin cũng như một số người nổi tiếng khác đã bộc lộ một vấn đề trong xã hội Hàn Quốc. Những người tốt nghiệp từ các trường danh tiếng thường có cơ hội nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ và tại các tổ chức, dẫn đến sự hình thành hệ thống cựu sinh viên đầy quyền lực. Ngược lại, nếu xuất thân từ các đại học tỉnh lẻ hoặc không mấy tiếng tăm, họ sẽ khó có cơ hội chen chân vào tầng lớp cao cấp của xã hội bất chấp nỗ lực đến đâu. Do đó, một số người đã tìm mọi cách để có được một tấm bằng "nặng ký", hòng cải thiện chỗ đứng trong xã hội. 

 

Theo Thanh Niên/ Yonhap, Hankyoreh